Một ý tưởng kinh doanh khả thi, nhận được sự đồng thuận cao là điều kiện cần của khởi sự kinh doanh. Để hiện thực hóa ý tưởng đó cần một quá trình, với những bước không thể bỏ qua nếu muốn khả năng thành công cao.
Ảnh minh họa
Lập hồ sơ dự án
Khi dự án đã nhận được sự đồng thuận cao, chủ dự án và ê-kíp cần lập hồ sơ dự án với việc tổng hợp các tài liệu, biên bản đánh giá rải rác từ lúc hình thành dự án.
Việc lập hồ sơ dự án nhằm giúp chủ dự án chia sẻ ý tưởng với đối tác hợp tác kinh doanh, sử dụng hồ sơ để vay vốn ngân hàng, xin cấp phép đầu tư… Trong hồ sơ dự án quan trọng nhất là các biên bản ghi nhớ trong quá trình tranh thủ sự đồng thuận, và báo cáo nghiên cứu khả thi.
Báo cáo nghiên cứu khả thi được phân tích bằng phương pháp mô tả, so sánh, dự báo xu hướng nhằm đưa ra được các giả định về chi phí đầu tư ban đầu; nguồn vốn; sản lượng; giá bán; chi phí hoạt động; các khoản phải thu, phải trả, tồn kho… để tính toán hiệu quả của dự án.
Báo cáo nghiên cứu khả thi là báo cáo được lập trên cơ sở phân tích chi tiết về phương án được chọn trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, với các nội dung phân tích ở các góc độ pháp lý, vị trí, thị trường, kỹ thuật – công nghệ, quản lý vận hành, tác động môi trường, tài chính và phân tích rủi ro.
Nội dung của các khía cạnh phân tích như sau:
– Pháp lý: khả năng đáp ứng được điều kiện kinh doanh, những ưu đãi, hạn chế từ chính sách của nhà nước đối với lĩnh vực khởi sự.
– Vị trí: chọn vị trí ở đâu, ở đó có những thuận lợi và khó khăn gì đối với các hoạt động cung ứng đầu vào, thuê mướn lao động, tổ chức sản xuất và phân phối.
– Thị trường: Thị trường mục tiêu, nhu cầu của họ như thế nào, họ cần sản phẩm như nào, làm sao để họ biết đến sản phẩm của dự án, chiến lược phân phối ra sao?
– Công nghệ: Làm thế nào để sản xuất ra sản phẩm của dự án, dây chuyền công nghệ như thế nào, thiết bị gì cần mua, mua ở đâu, chi phí bao nhiêu, nguyên liệu gì để sản xuất, tổ chức sản xuất, kiểm tra sản phẩm như thế nào?
– Nhân lực: Dự án cần nhân lực như thế nào, tuyển dụng ở đâu, cần đào tạo hay không, đào tạo như thế nào, mô hình tổ chức quản lý vận hành dự án ra sao?
– Tác động môi trường: Dự án đi vào hoạt động có gây tác động đến môi trường không, nguồn gây tác động từ đâu, xử lý như thế nào, chi phí xử lý bao nhiêu?
– Tài chính: Sau khi hoàn tất các lĩnh vực phân tích nêu trên, tổng hợp các kết quả phân tích đó để xây dựng các kế hoạch tài chính và tính toán chỉ tiêu đánh giá hiệu quả tài chính của dự án.
Trước hết là xây dựng các thông số về chi phí đầu tư ban đầu (chi phí cố định và vốn lưu động), doanh thu (xác định sản lượng và giá bán hàng năm), chi phí hoạt động, các khoản phải thu, phải trả, tồn kho, nhu cầu tiền mặt.
Sau đó, căn cứ vào các thông số trên để lập kế hoạch tài chính bao gồm: kế hoạch đầu tư, nguồn vốn, khấu hao, vay và trả nợ, thu nhập, vốn lưu động và dòng tiền.
Dựa vào dòng tiền tính toán các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả tài chính của dự án như: Hiện giá thuần (NPV), tỷ suất nội hoàn (IRR), thời gian hoàn vốn (PP), tỷ suất lợi ích trên chi phí (B/C), khả năng đảm bảo trả nợ (DSCR), các tỷ suất lợi nhuận hàng năm.
– Rủi ro: Chỉ ra những biến cố rủi ro dẫn đến kết quả kinh doanh khác đi so với kế hoạch và giả định.
Có hai phương pháp phân tích rủi ro là định tính và định lượng. Phân tích rủi ro định tính là dự báo được các biến cố tác động gây mất mát, thiệt hại; đồng thời cũng dự báo các cơ hội làm kết quả kinh doanh có thể tốt hơn.
Cần có giải pháp ngăn ngừa, hạn chế biến cố bất lợi; đồng thời cũng có biện pháp thúc đẩy những biến cố tạo ra cơ hội và có biện pháp tận dụng cơ hội.
Phân tích định lượng rủi ro là cho các thông số giả định thay đổi (như chi phí đầu tư ban đầu, sản lượng, giá bán, chi phí hoạt động, lãi vay thay đổi) tác động đến sự thay đổi của các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả của dự án (như NPV, IRR, PP, B/C, DSCR).
Thẩm định dự án
Việc thẩm định dự án được tiến hành bởi chính chủ dự án, với sự hỗ trợ của một hội đồng thẩm định bao gồm các thành viên có sự am hiểu về các khía cạnh pháp lý, thị trường, kỹ thuật, quản lý vận hành và tài chính.
Thẩm định trước hết là xem xét lại hiệu quả tài chính của dự án thông qua kiểm tra tính xác thực của các thông số giả định như chi phí đầu tư ban đầu, sản lượng, giá bán, chi phí hoạt động, lãi vay…
Kế đến là xem xét tính khả thi của dự án trên các khía cạnh pháp lý, rủi ro, kinh nghiệm của chủ dự án, khả năng kiểm soát vận hành dự án.
Ngoài ra, dự án cũng sẽ được thẩm định bởi các biên liên quan như cơ quan quản lý nhà nước (thẩm định để cấp phép), ngân hàng (thẩm định để quyết định tài trợ vốn cho chủ dự án). Các bên có liên quan khác như khách hàng, nhà cung cấp cũng thẩm định để quyết định hợp tác với chủ dự án hay không.
Kế hoạch triển khai
Sau khi khẳng định được tính khả thi của dự án, chủ dự án lập kế hoạch triển khai dự án chi tiết về đối nội và đối ngoại.
Về đối nội phải xây dựng chiến lược với tầm nhìn, sứ mệnh, thiết kế hệ thống quản lý, tuyển chọn ê-kíp lãnh đạo, lộ trình tuyển dụng, xây dựng quy chế, quy trình thực hiện công việc, chuẩn bị kế hoạch và thực hiện đầu tư ban đầu, kế hoạch và biện pháp quản trị rủi ro.
Về đối ngoại, những việc cần làm trước hết là chuẩn bị vốn với kế hoạch huy động vốn cụ thể, kế đến là thực hiện các thủ tục thành lập doanh nghiệp, cấp phép hoạt động, thiết lập các mạng lưới quan hệ với các đối tác liên quan.
Dù ý tưởng dự án tốt, kế hoạch hoàn hảo, nhưng quá trình triển khai có rất nhiều biến cố phức tạp xảy ra dẫn đến sự mất mát xen lẫn những cơ hội kinh doanh mới, làm biến dạng cấu trúc ban đầu của dự án.
Để tồn tại và tiếp tục phát triển, người khởi sử phải nhạy bén nhận diện cơ hội và thách thức để điều chỉnh chiến lược và kế hoạch kinh doanh cho phù hợp với từng giai đoạn.
Một trong những nhân tố giúp người khởi sự làm được việc đó là phải xác định sứ mệnh và giá trị cốt lõi để chi phối mọi hoạt động của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội, hạn chế tối đa thách thức, từng bước tích tụ vốn và phát triển ngày càng lớn mạnh.
Theo TS. HUỲNH THANH ĐIỀN/DNSG