Việc làm thích hợp không phải là quả sung chín tự nó rơi vào miệng bạn, mà bạn phải tự đi tìm nó. Hãy xem lại các mặt mạnh và yếu của mình, hãy thử nói chuyện với người đang làm công việc mà bạn ưa thích.
Ảnh minh họa
Ở đây, bạn lại phải trả lời các câu hỏi:
– Tôi có đủ trình độ để làm công việc ấy không?
– Tôi cần học thêm kiến thức và kỹ năng gì để làm được công việc ấy?
– Điều kiện lao động của công việc ấy có hợp với tôi không. Có thể công việc đòi hỏi đứng nhiều mà tôi lại hay đau lưng.
– Cuối cùng là tôi có thực sự muốn làm công việc ấy không?
Bạn hãy vẽ ra ba vòng tròn. Vòng tròn đầu tiên là công việc mà bạn muốn làm. Vòng tròn thứ hai là công việc bạn có thể làm. Vòng tròn thứ ba là công việc mà xã hội yêu cầu. Bạn phải biết dung hòa 3 vòng tròn đó.
Nếu đã lựa chọn một công việc dung hòa được 3 vòng tròn trên, bạn phải xác định đi học nghề.
Hãy nhớ:
– Cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật và công nghệ, thời gian tồn tại của một nghề có thể lâu dài hoặc ngắn ngủi.
– Có những nghề cũ mất đi và những nghề mới ra đời.
– Năng lực nghề nghiệp không có sẵn trong mỗi người và cũng không phải là những phẩm chất bẩm sinh. Nó hình thành và phát triển trong quá trình học tập, lao động và ngày càng được hoàn thiện.
– Một người có xu hướng đi vào nghề nào đấy là do đặc điểm tâm sinh lý bản thân, do sở thích riêng, do truyền thống gia đình.
– Hãy đi lên từ vị trí thấp nhất với quyết tâm và nghị lực cao. Hãy nhớ: Mỗi ngày, David Beckham tập đá phạt vào cầu môn vài trăm quả.
– Nhà tuyển dụng sẽ có thiện cảm với ứng viên xin làm việc hành chính, nhưng lại có bằng lái xe và biết làm phiên dịch. Thợ hàn, nhưng có thể làm thêm một số công việc về tiện, khoan, phay…
Bạn có thể tìm nơi học nghề ở Trung tâm giới thiệu việc làm và Trung tâm dạy nghề, Trường trung học kỹ thuật, Trường cao đẳng và cơ sở dạy nghề của nhà nước và tư nhân.