Một số công ty, trung tâm đưa ra chiêu “tuyển nhân viên gấp dán phong bì” với giá cao chót vót: 800 đồng/phong bì, nhiều người đến tìm việc ngậm ngùi ra về tay trắng, tiếc hùi hùi bởi đã “đi tong” hàng loạt các khoản phí phải nộp lúc đầu.
Ảnh minh họa
Thông qua những chiếc phong bì, các công ty lừa đảo dễ dàng đưa nạn nhân “vào tròng” (ảnh minh họa)
Chiêu thức đưa nạn nhân “vào tròng”
Trên nhiều đường phố, ngõ ngách tại Hà Nội, không khó để bắt gặp những tờ rơi quảng cáo về một công việc làm thêm tại nhà đầy hấp dẫn: gấp dán phong bì. Theo thông tin được đưa ra, họ thường tuyển số lượng từ 15 – 20 người, đưa ra mức lương hấp dẫn, chừng 4.000.000 – 5.500.000 đồng/tháng hoặc giá thành sản phẩm cao ngất ngưởng, từ 800 – 1.800 đồng/sản phẩm. Kèm với đó là một vài số điện thoại để liên lạc hoặc địa chỉ trung tâm, công ty. Nhiều người nghĩ rằng công việc được làm tại nhà, đơn giản dễ dàng mà thu nhập lại cao nên không chần chừ nhấc máy điện thoại, gọi cho những “nhà tuyển dụng” này và nhận được những cuộc hẹn để bàn giao công việc.
Vừa nghỉ hưu, do tâm lý buồn chán nên cô P.T.N (Ngô Sỹ Liên, Đống Đa, HN) muốn kiếm công việc về nhà làm thêm. Lên mạng, cô đọc được thông tin rao vặt tuyển dụng nhân viên gấp dán phong bì. Vì được làm tại nhà, công việc lại không có gì nặng nhọc nên theo số điện thoại trên rao vặt, cô liền điện thoại cho một người phụ nữ tên Nga để bày tỏ nguyện vọng được nhận việc.
Họ hẹn cô N. đến một con ngõ ở đường Thái Thịnh, nơi đặt trụ sở của công ty. Khi cô N. đến đó thì chị Nga kia không có ở công ty, cô gặp một người khác và người này yêu cầu cô phải nộp 150.000 đồng để làm thủ tục. Họ còn hỏi han rất kỹ lý do cô N. muốn làm việc này.
Sau khi đã hỏi han và thu lệ phí làm thủ tục, nhân viên này hướng dẫn cô N. ra một địa điểm xa tít tắp tận Hà Đông để lấy hàng. Tại đây, cô tiếp tục bị yêu cầu phải nộp 100.000 đồng là tiền đào tạo để học cách gấp phong bì. Sau vài thao tác đơn giản, việc đào tạo đã xong xuôi, họ đưa cho cô N. 20 tờ giấy A4 bảo mang về nhà gấp. Khi cô N. thắc mắc 20 tờ thì “không bõ bèn gì”, họ liền hứa hẹn nếu làm tốt, thì từ những lần sau sẽ được phân cho gấp số lượng phong bì nhiều mà còn cử cả xe máy, ô tô của công ty tới chở.
Về đến nhà, cô N. hào hứng kể với con gái về công việc mới của mình thì được con gái thông báo đây thực chất chỉ là hình thức lừa đảo, cũng đã có một vài người bạn của con gái cô cũng là “nạn nhân” của trò lửa đảo này. Con gái cô còn phân tích rõ ràng, trên thị trường hiện nay, với 1.000 đồng người ta có thể mua được 3 – 4 cái phong bì, trong khi đó công ty này trả công 800 đồng/sản phẩm cho người gấp dán là quá vô lý. Biết bị sập bẫy lừa, cô N. định bụng sẽ đến công ty này làm rõ trắng đen song con gái cô ngăn lại và động viên rằng thôi thì coi số tiền “lệ phí” kia là tiền để mua kinh nghiệm.
Chật vật hàng loạt khoản phí
N.T (sinh viên một trường ĐH tại HN) cũng chia sẻ rằng, thời gian trước, T. đi tìm việc và biết được 1 công ty đang tuyển lao động gấp phong bì ( có thể mang về nhà làm) với mức lương 800 đồng/sản phẩm. T. đã tìm đến công ty (thực chất là một văn phòng bán vé máy bay) để nhận việc. Nhân viên ở đây yêu cầu T. nộp 100.000 đồng phí mua hồ sơ. Trong hợp đồng có thêm khoản phí 190.000 đồng không hoàn lại. Điều lạ là chỉ có 1 bản hợp đồng và chỉ nhân viên đó kí, T. không được giữ lại bản nào. Sau đó, T. tiếp tục phải nộp 150.000 đồng chí phí vật liệu, đặt cọc 200.000 đồng tiền đi làm và sau 2 tuần sẽ nhận lại với điều kiện phải có bảng thanh toán lương, nếu không sẽ bị trừ 20% tiền đặt cọc.
Nhân viên công ty nói với T. rằng sau khi thử việc là gấp 10 phong bì đúng mẫu sẽ được công ty cho nhận 500 sản phẩm. Nhưng sau khi T. làm và nộp 10 phong bì như mẫu thì công ty bảo sai và sẽ giao việc cho T. khi công ty có công việc nhẹ nhàng. T. để lại số điện thoại và chờ đợi công ty liên lạc. Song T cứ “chờ dài cổ” mà không thấy bên kia liên lạc, T. chủ động hỏi thì công ty bảo chưa kí được hợp đồng nào mới nên chưa có việc giao cho T.
Cũng chính vì vậy mà sau 2 tuần, T. đi nhận lại tiền đặt cọc chỉ được 80% và công việc cũng chưa thấy đâu. T. hiểu rằng mình đã bị cho “vào tròng”, muốn kiện lại công ty này vi phạm hợp đồng để đòi lại các khoản phí đã đóng nhưng T. rất hoang mang bởi bản hợp đồng kia chỉ có công ty mới có, T. hoàn toàn không có bằng chứng gì chứng minh mình đã nộp những khoản phí và kí kết hợp đồng lao động với công ty trên.
Có thể thấy, hoạt động lừa đảo để thu các mức phí tuyển dụng vô lý này đã không còn quá mới nhưng hàng ngày vẫn có rất nhiều người bị các công ty làm ăn gian trá này lừa đảo. Cách thức thông thường của chúng vẫn là bắt người đến xin việc đóng hàng loạt các khoản phí, đưa ra các địa chỉ ở rất xa nhau khiến ứng viên mệt mỏi, tự ý bỏ việc hoặc bày ra các yêu cầu khó, nói rằng ứng viên làm phong bì không đạt chất lượng… để không phải trả tiền hay giao tiếp việc cho ứng viên. Đặc biệt ở chỗ, các hợp đồng lao động chúng đưa ra thường rất mập mờ để họ dễ dàng ứng biến khi người lao động muốn kiện tụng. Khôn ngoan hơn, nhiều chỗ còn không đưa cho ứng viên hợp đồng (cũng chính là bằng chứng) để họ không biết phải xoay sở ra sao khi muốn đòi lại các khoản phí đã nộp.
Theo các luật sư, hành vi tổ chức tuyển dụng và thu phí của người dự tuyển của các công ty trên có những dấu hiệu vi phạm pháp luật. Người lao động có quyền yêu cầu họ hoàn trả lại phí dự tuyển, các khoản phí đóng cho quá trình tuyển dụng. Đồng thời, “nạn nhân” nên gửi đơn trình báo lên phòng Lao động Thương binh Xã hội quận huyện nơi công ty đó đóng trụ sở để thông báo và đề nghị được bảo vệ.