“Săn” lòng tin ở nhân viên

Khi nhân viên mất lòng tin vào lãnh đạo, họ sẽ không còn nhiệt tình làm việc. Lấy được lòng tin ở người thân, bạn bè đã khó, “kiếm” lòng tin ở nhân viên còn khó hơn. Là một nhà lãnh đạo có tài, nhưng bạn đã được nhân viên tin yêu chưa?

Thường thì các nhân viên rất quan tâm đến những hành vi, cư xử hàng ngày của sếp. Nếu chúng đúng mực, họ sẽ lấy sếp làm thần tượng, làm điểm tựa để phấn đấu. Nếu chúng đáng phê phán, nhân viên sẽ thấy mất lòng tin, dần dần họ sẽ chán ghét luôn cả doanh nghiệp, thậm chí chán cả công việc họ đang làm.

Những nhà lãnh đạo tài ba là phải biết nhận ra điều này, và tìm cách thay đổi chính mình, để vực dậy niềm tin.

Sự không thống nhất giữa lời nói và việc làm của sếp là một nguyên nhân khiến nhân viên mất lòng tin. Ai có thể nói một đằng làm một nẻo, chứ riêng sếp thì không, càng không được nói mà không làm. Làm mà không nói cũng chẳng phải cách hay. Bạn cứ “tưng tửng” làm như thế mà không giải trình nửa lời thì rõ ràng là phong cách không chuyên nghiệp.

Lãnh đạo phải luôn là người đầu tầu gương mẫu. Khi gặp thất bại, họ phải biết phân tích rồi nhận ra lỗi của mình, trước khi đổ hết tội cho nhân viên. Một câu nói “trong việc này có lỗi lớn của tôi, tôi đã không biết lắng nghe ý kiến của mọi người” có thể khiến mọi nhân viên đều muốn cảm thông và chia sẻ với sếp. Còn nếu bạn nói: “Tôi đã biết ngay là thế nào anh cũng thất bại mà”, nhân viên sẽ muốn bỏ bạn mà đi luôn.

Để có được niềm tin ở người lao động, bản thân sếp cũng phải luôn tin tưởng vào mọi người. Luôn tin yêu và chân thành sẽ giúp con người gần nhau hơn, không ngăn cách bằng nghi ngờ và đố kị.

Nhân viên nào ban đầu cũng nhiều nhiệt huyết và năng nổ. Bạn đừng làm nguội lạnh bầu máu nóng ấy bằng thái độ thờ ơ, lãnh đạm và vô cảm. Không khen khi họ làm được việc, không góp ý khi họ thất bại. Sự “lãng quên” của bạn khiến nhân viên nghĩ rằng họ đang cố gắng chẳng vì cái gì cả. Một món quà đúng lúc, một lời khen nhẹ nhàng, một góp ý chân thành, tất cả đều là nguồn dinh dưỡng nuôi sống niềm tin.

Luôn đi cùng với niềm tin chính là sự chân thành. Thấy nhân viên buồn chuyện gia đình, ủ rũ không chịu làm việc, bạn vội xởi lởi hỏi han, chia sẻ bằng những lời hoa mỹ, hứa hẹn sẽ giúp người đó vượt qua khó khăn. Nhưng ngay sau đó, bạn lại mải mê cười rũ với một nhân viên khác hoặc “đao to búa lớn” với cô thư ký không hoàn thành nhiệm vụ. Chả mấy chốc, bạn quên khuấy câu chuyện buồn của người nhân viên. Một vị sếp sống giả tạo như thế không thể được nhân viên tin tưởng.

Bạn có biết nhìn người không? Một nhân tài đang ngồi trong công ty bạn, bạn đã trọng dụng họ chưa? Hay bạn còn đang mải giao trọng trách cho những kẻ vô dụng? Biết nhìn và dùng đúng người cũng là một cách để tạo lòng tin đấy. Chắc bạn chẳng thích bị nhân viên chê bôi: “Ôi dào, đúng là lão hâm, thằng đấy thì có gì giỏi mà cứ bám lấy nó!”.

Để xây dựng niềm tin nơi công sở, phải biết kết hợp hài hòa giữa cho và nhận. Trung thực, chân thành, biết lắng nghe và chia sẻ, biết nhìn nhận và đánh giá đúng năng lực của nhân viên và biết tin tưởng họ, khi đó bạn sẽ được nhân viên tin lại.

Quan trọng hơn, hãy coi tất cả nhân viên như những bạn bè thân thiết của mình, hãy sống thật với họ. Lòng tin sẽ tự tìm đến.

(Theo Dân Trí)