Làm thêm là cơ hội giúp bạn trẻ trau dồi kỹ năng và tích lũy kinh nghiệm. Kiếm được công việc làm thêm (công việc part-time) đúng chuyên ngành mình đang học là tốt nhất. Nếu không thì bạn cũng sẽ học hỏi được thêm nhiều điều bổ ích, và đó sẽ là hành trang cho chặng đường kiếm tìm thành công của bạn.
Ảnh minh họa
Làm thêm khi còn đi học – tại sao không?
Sinh viên (SV) khi ra trường nên liệt kê những công việc làm thêm trong CV bởi các nhà tuyển dụng rất chú ý đến chi tiết ấy. Họ coi đó là một tiêu chí đánh giá nhiều phẩm chất quan trọng của SV như: khả năng độc lập trong công việc cũng như cuộc sống, sự tháo vát nhanh nhạy, khả năng quản lý thời gian, tài chính,… Chị Huỳnh Bá Thiên Tâm, công tác ở British American Tobacco Vietnam, chia sẻ rằng: “Kinh nghiệm của các bạn ban đầu nên tích lũy từ quá trình đi làm thêm. Dù công việc làm thêm là công việc gì, qua đó các bạn sẽ “cứng” hơn. Đồng thời, những bài học kinh nghiệm về thành công, vấp váp của người đi trước cũng là “kênh” kinh nghiệm làm việc của các SV mới ra trường”.
Học bốn năm đại học nhưng đa số những kiến thức được dạy trong trường phần lớn là lý thuyết, không nhiều nội dung thực hành. Bởi vậy, rất nhiều bạn trẻ hiện nay, không còn coi mục đích quan trọng nhất của làm thêm là vì thu nhập nữa. Khi lựa chọn những công việc làm thêm, các bạn thường quan tâm chú ý đến những công việc liên quan đến ngành của mình, tìm kiếm nơi thực hành những gì được học. Các bạn coi công việc part-time như giảng đường đại học thứ hai.
Một lợi ích không nhỏ nữa của việc làm thêm là chính môi trường làm việc sẽ giúp bạn trau dồi được các kỹ năng giao tiếp, ứng xử, mở rộng mối quan hệ xã hội. Thêm vào đó, làm part-time, bạn sẽ tận dụng được tối đa thời gian rảnh rỗi của mình. Bạn có thể làm thêm để sử dụng hết quỹ thời gian 24 giờ thật ý nghĩa.
Tuy nhiên, một kết quả học tập tương đối tốt, những kinh nghiệm tích lũy dồi dào, điều này có đạt được hay không tùy thuộc vào chính khả năng biết sắp xếp, cân đối thời gian học và làm của bạn. Bởi khi đi làm thêm nghĩa là bạn phải chấp nhận quỹ thời gian eo hẹp, áp lực cũng như những khó khăn gặp phải trong công việc làm thêm của mình.
Tìm kiếm công việc part-time cho mình
Bạn có thể sử dụng tiện ích của tìm việc trực tuyến, khai thác thông tin từ những mối quan hệ. Hãy chú ý tới những thông báo tuyển nhân viên trên báo, bảng tuyển người ở các cửa hàng, Đừng bỏ qua các dịch vụ hỗ trợ tìm việc miễn phí hoặc có chi phí không đáng kể đối với người tìm việc như văn phòng hỗ trợ sinh viên ở trường bạn hay các văn phòng hướng nghiệp, trung tâm giới thiệu việc làm thanh niên ở các nhà văn hóa, ủy ban phường xã gần nơi bạn ở.
Và cuối cùng, nếu không ưng ý những cách tìm công việc part-time ở trên, bạn hãy tự nghĩ ra việc làm thêm cho mình. Hãy nghĩ xem bạn thích làm gì trong thời gian rảnh? Thế mạnh của bạn là gì? ; Nếu khéo tay, bạn hãy cân nhắc về việc làm đồ handmade, quà lưu niệm; Nếu bạn thích kinh doanh, hãy suy nghĩ và bắt đầu kế hoạch của riêng mình, một shop bán hàng trên mạng chẳng hạn,…; Còn nếu có khả năng viết lách, bạn có thể cộng tác viết bài cho tạp chí hoặc báo điện tử.
Đến với một công việc làm thêm, ngoài vì kinh tế, ai cũng có mục đích cao hơn đằng sau. Vì thế, hãy chọn lựa những công việc part-time phù hợp, để học hỏi, nuôi dưỡng niềm đam mê và trở nên giỏi giang hơn. Chúc tất cả các bạn thành công.