Thực tế, 100% học viên nghề bếp sau khi tốt nghiệp đều có việc làm. Nghề này dễ học, dễ kiếm tiền nhưng không phải ai cũng theo đuổi bền lâu.
Ảnh minh họa
Công việc đòi hỏi sức khỏe, dẻo dai, bền bỉ và trên hết là phải yêu nghề mới gắn bó lâu dài. Làm bếp khởi đầu từ công việc lặt rau, rửa chén đến điều phối một bữa tiệc quy mô lớn hay quản lý một chuỗi các nhà hàng, tất cả phụ thuộc vào sự cố gắng của mỗi người. Hầu hết các đầu bếp thường bỏ nghề từ năm đầu tiên nếu không chịu được áp lực công việc.
Các yếu tố chính là thường phải làm ca đêm và cường độ lao động cao vào các mùa lễ tết. Những người phải chọn nghề bếp để nhanh có việc làm sẽ dễ chán nản ngay trong thời gian đầu do món ăn thường bị khách hàng “mắng vốn
Đầu bếp còn phải chịu “ô nhiễm” khói và mùi. Có thể nói, đầu bếp là nghề lao động nặng nhọc và độc hại. Bên cạnh đó, phải lấy sự yêu thích công việc làm chất xúc tác mới có thể theo đuổi được nghề này. Đây cũng là nghề có tính thực hành cao nên học viên thường học ngắn hạn rồi đi làm ngay, sau đó, tiếp tục bổ sung định kỳ, tiếp nhận những phương pháp mới, trào lưu mới nhằm giúp tay nghề không bị tụt hậu và nhàm chán với công việc.
Công việc của người đầu bếp
Với đặc trưng nghề nghiệp đòi hỏi sự tỉ mẩn, kiên nhẫn và khéo léo, người đầu bếp phải thực hiện rất nhiều công việc để chuẩn bị cho “ra lò” sản phẩm của mình.
– Chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu, vật dụng, thiết bị nấu ăn cần dùng trong quá trình chế biến. Liên tục làm vệ sinh các thiết bị này cũng như quanh khu vực nấu ăn để đảm bảo cho các món ăn sạch sẽ.
– Đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, chọn các nguyên liệu đầu vào sạch sẽ, có xuất xứ và hạn sử dụng rõ ràng.
– Thực hiện nấu ăn bằng các phương pháp rán, nướng, quay, luộc, om, hấp, kho rim, nướng v.v… Chỉ đạo, phối hợp các hoạt động nấu ăn (trong trường hợp của bếp trưởng).
– Trình bày các món ăn đẹp mắt.
– Nhận và bảo quản các đồ thực phẩm.
– Đào tạo và giám sát các nhân viên nấu ăn khác.
Ở các đơn vị lớn như nhà hàng, khách sạn, câu lạc bộ, tiệm ăn nhanh v.v…, đầu bếp thường chuyên về một loại thức ăn đặc biệt, hoặc chuyên về các món ăn dân tộc như món Pháp, món Trung Quốc… Ngoài ra, còn có đầu bếp chuyên làm các món tráng miệng, bánh nướng, bánh ngọt v.v…
Phẩm chất và kỹ năng cần thiết
Kiến thức
– Không chỉ là việc chế biến, xào nấu, còn hàng trăm công việc tưởng giản đơn như hướng dẫn khách hàng cách ăn uống, dọn món, tính toán phù hợp từ chợ búa, chế biến, cho tới khi món ăn được đưa lên bàn và được khách hàng chấp nhận. Bất cứ hoàn cảnh nào cũng luôn phải tươi tắn, niềm nở.
– Chăm chỉ, ham thực hành. Để trở thành một người giỏi nghề, bạn phải học tập kinh nghiệm ở nhiều nơi và quốc gia khác nhau. Chúng sẽ giúp bạn lĩnh hội các kỹ thuật và công thức món ăn mới cũng như gặp gỡ rất nhiều người.
Kỹ năng
– Kỹ năng sáng tạo: phải luôn ý thức cao việc chế biến, trình bày món ăn như là việc tạo ra các tác phẩm nghệ thuật. Kinh nghiệm và bằng cấp cũng không thể làm được điều này.
– Kỹ năng quản lý: khả năng tuyển dụng và tạo hứng thú làm việc cho nhân viên.
– Kỹ năng tổ chức: khả năng lập các bảng phân công nhiệm vụ, bố trí nhân sự, xây dựng các quy trình quản lý.
– Kỹ năng lập kế hoạch: lập kế hoạch thực đơn và đảm bảo cung ứng các món ăn thích hợp cho khách hàng mọi thời điểm.
– Kỹ năng quản lý tài chính: có thể kiểm soát chi phí bếp, giảm giá thành món ăn
Khả năng
– Khéo tay, sạch sẽ, thích công việc nấu nướng, sức khỏe tốt
– Có mắt thẩm mỹ tốt; nhạy cảm với mùi vị
– Có khả năng làm việc dưới áp lực cao và làm việc theo nhóm
– Đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên nhẫn và khéo léo
Thái độ
– Chịu khó học hỏi
– Yêu nghề, không ngại khó khăn.
Điều kiện làm việc và cơ hội nghề nghiệp
Đầu bếp làm việc theo ca, bao gồm cả ngày cuối tuần và ngày lễ theo yêu cầu của thực khách. Công việc này đôi khi khá căng thẳng và bận rộn, đặc biệt là vào những giờ cao điểm trong ngày hay các dịp lễ tết, các sự kiện đặc biệt như hội nghị, tiệc chiêu đãi v.v…
Người đầu bếp có tài có thể làm việc ở rất nhiều nơi: trong khách sạn, nhà hàng, câu lạc bộ, quán cafe, bệnh viện, các trường nội trú, các cơ quan, đơn vị…
Ngành du lịch và khách sạn phát triển mạnh mẽ đang kéo theo nhu cầu nhân lực lớn về nghề này. Đầu tư phát triển các đầu bếp tài năng cũng là một cách quảng bá hình ảnh Việt Nam đến với bạn bè thế giới thông qua ẩm thực. Bên cạnh đó, với kinh nghiệm và khả năng, các đầu bếp và bếp trưởng hoàn toàn có thể tự mở cửa hàng kinh doanh cho mình.