Sau khi đăng tin tuyển dụng trực tuyến, bạn nhận được hàng loạt hồ sơ xin việc gửi đến và đôi lúc phải bỏ ra rất nhiều thời gian để chọn lựa các ứng viên “đúng người, đúng việc” cho vòng phỏng vấn. Một vài gợi ý tham khảo về những hồ sơ xin việc mà bạn nên nhanh chóng bỏ qua mà không cần phải cân nhắc
Ảnh minh họa
1. Chuyển nhiều công ty trong một thời gian ngắn:
Nhảy từ công việc này sang công việc khác trong một thời gian ngắn là dấu hiệu dễ thấy của một hồ sơ không đạt chuẩn. Cần tìm hiểu rõ: Tại sao ứng viên này nghỉ việc? Ứng viên này có phải là người giữ chữ tín không? Những công việc này là toàn thời gian hay bán thời gian?
Một sinh viên có thể chọn nhiều công việc ngắn hạn như là cách để kiếm thêm thu nhập, kinh nghiệm trong quá trình học tập và xin việc. Nhưng điều này không thể có đối với người đã có kinh nghiệm và bằng cấp. Nhảy việc trong thời gian ngắn hạn thể hiện sự thiếu tầm nhìn, thiếu kiên nhẫn và thiếu luôn lòng trung thành của một người nhân viên. Hãy chú ý điểm này trong hồ sơ của ứng viên.
“Tôi luôn có những suy xét rõ ràng đối với những trường hợp này” – Một chuyên viên nhân sự chia sẻ. “Ứng viên nhảy nhiều việc trong thời gian ngắn sẽ không có gì chắc chắn rằng anh ta sẽ không làm thế trong thời gian tới”
2. Dùng quá nhiều từ “Chiến lược” trong hồ sơ
Việc nêu bật các thành tích trong công việc của ứng viên dễ gây ấn tượng cho nhà tuyển dụng khi chọn lọc hồ sơ. Tuy nhiên, cần lưu ý những hồ sơ được “đánh bóng” bằng quá nhiều từ “chiến lược”.
Một người chỉ nói về “chiến lược” mà không đưa ra các giải pháp giải quyết vấn đề như thế nào, chắc chắn đó không phải nhân viên biết biến ý tưởng thành hiện thực. Người “làm ít nói nhiều” sẽ không mang lại hiệu quả trong công việc cho doanh nghiệp. Việc “đánh bóng” không chỉ thể hiện sự thiếu năng lực của ứng viên mà còn báo hiệu nguy cơ về một nhân viên không thật thà trong tổ chức của bạn.
3. Mặc định mình là “chuyên gia”
Nếu thực sự họ là một “chuyên gia” như họ nhận thấy, chắc chắn họ sẽ không phải đi tìm việc mà công việc sẽ tự tìm đến họ. Đó là một điều chắc chắn.
4. Hồ sơ xin việc không nêu bật thành quả, chỉ coi trọng hình thức
Một hồ sơ xin việc (CV) chỉ nêu lên được những chức vụ họ đảm nhiệm như một điểm sáng nhưng sự thực lại không hề hấp dẫn. Nhà tuyển dụng chỉ nên coi trọng và lựa chọn những CV nêu lên được những việc người đó làm đã mang lại thành quả gì cho công ty, hoặc họ đã học được gì qua những công việc đó
5. CV có lỗi chính tả hoặc lỗi hành văn
Không có lý do nào có thể châm chước cho một CV sai chính tả hoặc lỗi hành văn của người có bằng cấp, có chuyên môn và kinh nghiệm. Điều này chỉ được lý giải bằng sự cẩu thả và hấp tấp của ứng viên.
6. CV như nhật ký hằng ngày của ứng viên
Có thể hiểu chủ nhân của những CV này không có tư duy logic và cách nhìn nhận chính xác khi liệt kê tràn lan những gì họ đã làm trong vòng 10 năm qua. Họ không suy luận được rằng các nhà quản lý không có nhiều thời gian để đọc “CV – Nhật ký hàng ngày” của họ.
Với những ý tham khảo trên đây, các nhà quản lý có thể nhanh chóng loại bỏ những CV chưa đạt chuẩn và tự tin lựa chọn ứng viên có tố chất tốt về chuyên môn và nhân cách, tuyển dụng được “đúng người cho đúng việc”như mong muốn.