Marketing Quảng cáo gây nhầm lẫn: Sunhouse là của nước nào?

Quảng cáo gây nhầm lẫn: Sunhouse là của nước nào?

136
Để gây sự chú ý với khách hàng, nhiều doanh nghiệp đã liên tiếp tung ra các chiêu thức quảng cáo gây nhầm lẫn, mập mờ các thông tin về chất lượng, công dụng hay nguồn gốc sản phẩm.
ảnh minh họa
Quảng cáo của Sunhouse tại Việt Nam là “Thương hiệu hàng đầu đến từ Hàn Quốc”…
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp đang chơi “con dao hai lưỡi” khi mạo hiểm vi phạm vào những quy định về quảng cáo và thiếu trách nhiệm với người tiêu dùng.

Đã có không ít doanh nghiệp đã phải nếm “trái đắng” khi mạo hiểm với những chiêu thức quảng cáo gây hiểu lầm, mập mờ về thông tin, song để thu hút khách hàng, nhiều doanh nghiệp vẫn bằng mọi giá đưa ra các chiêu quảng cáo khiến người tiêu dùng hiểu sai về sản phẩm.

Lập lờ đánh lận con đen

Mới đây, Công ty TNHH Đầu tư thương mại, XNK Bảo Khang đã phải thừa nhận hành vi sai phạm liên quan đến việc quảng cáo thực phẩm chức năng là… thuốc chữa bệnh sau khi đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ Y tế phát hiện có sai phạm trong hoạt động quảng cáo.
Được biết, trên các trang mà công ty này quảng cáo đều có cụm từ là “dược Bảo Khang”, trong khi giấy phép đăng ký kinh doanh không đăng ký ngành kinh doanh là dược phẩm. Không những bị xử phạt theo quy định, Công ty Bảo Khang còn phải chủ động tiêu hủy số tài liệu có quảng cáo gây hiểu nhầm và thay thế từ “thuốc” bằng cụm từ ” thực phẩm chức năng”, cũng như chỉnh sửa website cho phù hợp quy định về quảng cáo, nhãn hàng hóa.

Điều đáng nói là không chỉ có sự lập lờ giữa thuốc – thực phẩm chức năng, sự lập lờ “ăn tiền” còn đang được các doanh nghiệp sử dụng tại rất nhiều lĩnh vực, sản phẩm khác.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn các nội dung quảng cáo của Công ty Cổ phần Tập đoàn Sunhouse với các sản phẩm đồ gia dụng mà doanh nghiệp này sản xuất và phân phối cũng đang gây hiểu lầm với người tiêu dùng.

Hãng này đã đưa ra các nội dung quảng cáo như “Đồ gia dụng hàng đầu đến từ Hàn Quốc”, hay “Thương hiệu gia dụng cao cấp Hàn Quốc” trên các tờ rơi, banner quảng cáo.

Cụ thể, tại banner quảng cáo ngoài trời nằm trên đường Hồ Tùng Mậu (Cầu Giấy – Hà Nội), doanh nghiệp này đã cho chạy một slogan với nội dung “Thương hiệu gia dụng cao cấp Hàn Quốc”.

Trên các tờ rơi quảng cáo của Sunhouse, thông tin liên quan đến sản phẩm mang thương hiệu Hàn Quốc cũng được doanh nghiệp này giới thiệu. Đặc biệt, trên trang Facebook FanPage riêng của Sunhouse, nội dung quảng cáo “Đồ gia dụng hàng đầu đến từ Hàn Quốc” cũng được đưa lên hình ảnh đại diện và thu hút đến hơn 21.500 like.

Trái ngược với các nội dung quảng cáo khiến người tiêu dùng hiểu lầm về nguồn gốc sản phẩm của Sunhouse là hàng “ngoại nhập”, thì hiện phần lớn các sản phẩm của nhãn hiệu này đều đang được sản xuất tại nhà máy của Sunhouse, đang đặt tại Quốc Oai – Hà Nội.

Được biết, ngoài một số sản phẩm của Sunhouse được nhập khẩu từ Hàn Quốc, như bộ nồi Anod Sunhouse, song phần lớn các sản phẩm như thiết bị nhà bếp, điện gia dụng, thiết bị điện… đều được sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Sunhouse, cho biết Sunhouse có liên doanh với một đối tác từ Hàn Quốc để hợp tác và chuyển giao về công nghệ, dây chuyền sản xuất các sản phẩm. Do đó, hầu hết các sản phẩm của doanh nghiệp này cũng được thiết kế, sản xuất theo “hơi hướng” của Hàn Quốc, song đây hoàn toàn là thương hiệu của Việt Nam.

Hệ lụy từ lừa dối khách hàng
Ông Trần Hùng, Phó chủ tịch thường trực, Tổng thư ký Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, cho rằng việc các doanh nghiệp sử dụng những chiêu thức quảng cáo gây nhầm lẫn , mù mờ về thông tin là sai quy định.
Dẫn chứng cụ thể trường hợp của Sunhouse, ông Hùng cho rằng sản phẩm của hãng này được sản xuất tại Việt Nam song lại gắn với “mác” ngoại khiến người tiêu dùng hiểu lầm sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ từ Hàn Quốc.

“Nếu Sunhouse sản xuất sản phẩm theo dây chuyền của Hàn Quốc, hãng này cần phải nói rõ cho người tiêu dùng biết sản phẩm Việt Nam được sản xuất theo công nghệ Hàn Quốc, nhưng có nguồn gốc của Việt Nam. Bởi nếu quảng cáo với các nội dung như trên, Sunhouse đang khiến cho người tiêu dùng hiểu nhầm rằng sản phẩm có xuất xứ từ nước ngoài. Còn nếu bán sản phẩm từ Hàn Quốc, hãng này phải có chứng nhận nhập khẩu, hóa đơn chứng từ rõ ràng”, ông Hùng nói.

Cùng chung quan điểm trên, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, khẳng định: “Sản phẩm của công ty sản xuất tại Việt Nam mà quảng cáo như vậy dễ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng là sản phẩm được nhập khẩu từ Hàn Quốc. Việc quảng cáo gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng là hành vi bị cấm theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trong trường hợp một số sản phẩm, hàng hóa bán ra của công ty là nhập khẩu từ Hàn Quốc thì cũng chỉ được phép ghi nguồn gốc xuất xứ Hàn Quốc cho những sản phẩm, hàng hóa đó”.
Xem: Clip quảng cáo của Vinacafe Biên Hòa được chiếu trên Đài truyền hình Quốc gia Việt Nam đã bị Cục Sở hữu trí tuệ kết luận là ‘quảng cáo láo’.

Theo chuyên gia tư vấn chiến lược và thương hiệu Trịnh Đình Long, Tổng giám đốc Công ty Giải pháp Phát triển doanh nghiệp Amica, hành vi quảng cáo của Sunhouse hay nhiều doanh nghiệp khác đang thực hiện là lừa dối khách hàng. Với các chiêu thức này, doanh nghiệp có thể bán được hàng với giá cao khi sản phẩm gắn với “mác” ngoại.

Đặt trong bối cảnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đang được đẩy mạnh nhằm gia tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa trong nước, các doanh nghiệp sản xuất cần quảng cáo những thế mạnh của mình, nâng cao giá trị thương hiệu cho sản phẩm nói riêng và hàng Việt Nam nói chung.

Đừng vì “tham bát, bỏ mâm”, đưa ra những chương trình quảng cáo gây nhầm lẫn, đánh vào tâm lý tiêu dùng của khách hàng, mà đánh mất đi những giá trị của chính mình!

Theo Thời báo kinh doanh