Đã dần qua cái thời người ta nghĩ về CIO như một anh làm kỹ thuật. Hơn bao giờ hết, CIO là một lãnh đạo – một lãnh đạo cấp cao trong bộ máy của ban quản trị. Việc xác nhận đó đồng nghĩa với những trách nhiệm mà các CIO phải gánh vác trên đôi vai khi đứng trong tổ chức của mình. Một CIO cần những gì? Hãy lắng nghe chính những người trong cuộc tại lễ trao giải CIO lần thứ 3 tại Việt Nam tâm sự về điều đó.
Ảnh minh họa
Bấy lâu nay, những người lãnh đạo công nghệ thông tin vẫn cứ “cặm cụi” làm công việc của mình, để cho bao người lầm tưởng danh đó chỉ là anh trưởng phòng kỹ thuật. Nhưng bây giờ, khi tên đã được đặt và danh hiệu đã được trao, liệu hiểu biết về công nghệ thông tin có phải là yếu tố quan trọng nhất đối với một CIO?
Tầm nhìn, tâm huyết, niềm tin
Không vắng mặt trong bất cứ lễ bình chọn nào trong suốt những năm qua, nhắc đến cộng đồng CIO Việt Nam với đại từ thân mật “anh em”, ông Vũ Đức Đam – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, theo ông, một CIO cần nhiều phẩm chất khác nhau, nhưng quan trọng nhất phải có ba yếu tố: tầm nhìn, tâm huyết và niềm tin.
Ông giải thích: “Đứng trước rất nhiều những yêu cầu bức xúc khác của cuộc sống, nếu không có tầm nhìn, khó có thể chú trọng đầu tư các nguồn lực vào lĩnh vực như công nghệ thông tin và truyền thông, cũng không thể thực hiện được các dự án.
Phải có tâm huyết, niềm tin và sự say mê nghề nghiệp vì làm công nghệ thông tin không phải lúc nào cũng thành công. Ngay như chúng ta vẫn nói trong các hội nghị chính phủ điện tử, trên thế giới thường chỉ có 30% dự án về công nghệ thông tin trong nhà nước là thành công, 70% còn lại là thất bại”.
Tầm nhìn, tâm huyết, niềm tin không chỉ là những phẩm chất của riêng CIO, mà đó là phẩm chất cần có của các lãnh đạo nói chung. Công nghệ thông tin và truyền thông giờ đây đang trở thành một nền kinh tế mũi nhọn. Các văn phòng, nhà máy, xí nghiệp… ngày nay ứng dụng công nghệ thông tin không chỉ vì bản thân công nghệ thông tin, mà bởi nó liên quan đến quy trình, thủ tục, thậm chí cả lề lối làm việc. Do đó, ông Đam khẳng định, công việc nặng nề đó “đòi hỏi những người làm công nghệ thông tin phải rất dũng cảm, mạnh mẽ và kiên nhẫn”.
Sáng tạo
Đến với Hội nghị và Lễ bình chọn lãnh đạo công nghệ thông tin xuất sắc sáng 19/9, tiến sĩ Đinh Quang Nương, Phó Tổng giám đốc điều hành giao dịch công nghệ thông tin của công ty Bảo hiểm Nhân thọ Frudential lại đề cao yếu tố sáng tạo, coi đây là một phẩm chất không thể thiếu được đối với CIO.
“Sự sáng tạo của lãnh đạo công nghệ thông tin sẽ giúp tăng hiệu suất, tối ưu hoá quy trình làm việc và giúp doanh nghiệp đạt được các mục tiêu đề ra một cách hiệu quả. Sự sáng tạo còn làm thay đổi phương cách làm việc, thúc đẩy sự cải tiến sán tạo, tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp bằng cách tạo ra những sản phẩm mới, những dịch vụ tiện ích cho khách hàng” – ông nói.
Những năm gần đây, Việt Nam đã mạnh dạn đưa vào ứng dụng những hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin công nghệ cao, đưa Việt Nam ngày càng theo kịp sự phát triển về công nghệ của các nước trong khu vực. Ông Nương cho hay, theo ông, “đó chính là một sự can đảm trong sáng tạo”.
Sự khéo léo
Là CIO nữ duy nhất được bình chọn lãnh đạo công nghệ thông tin xuất sắc, bà Trương Hoàng Ngọc – CIO của công ty Savimex – khẳng định, phẩm chất hàng đầu của một CIO là “sự khôn khéo và biết thuyết phục người khác”.
Bà nói: “Theo tôi, nếu đã ở chức danh CIO, thì CIO đó phải tốt rồi, chứ không thể ú a ú ớ. Phải dám làm và dám chịu trách nhiệm”.
Điều này xuất phát từ thực tế rằng khi bà Ngọc tiến hành triển khai dự án công nghệ thông tin ở doanh nghiệp của mình, bà gặp khá nhiều trở ngại. Mọi thành viên trong công ty quen làm bằng tay, có những công việc giấy tờ số liệu họ để đến cuối tháng mới làm và tiến hành công việc rất “từ từ”, không mấy hiệu quả.
Do đó, muốn triển khai một cách làm mới, hiện đại, xoá bỏ thói quen cũ lỗi thời, “cần sự khéo léo để mọi người hiểu mình, ủng hộ mình”.
Hiểu biết về công nghệ
Ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Tp.HCM, khẳng định: “Công nghệ thông tin là yếu tố quyết định đối với sự thành công của CIO. Đưa công nghệ thông tin vào trong ứng dụng, nếu như mình không thành công có nghĩa là mình không hoàn thành xong công việc của mình”. Do đó, hiểu biết về công nghệ là đòi hỏi không thể thiếu đối với mỗi CIO.
Tuy nhiên, ông Hà cũng lưu ý “CIO phải thể hiện được khả năng của một nhà lãnh đạo, không phải khả năng của một con người làm kỹ thuật.
Thậm chí, có những CIO không hiểu biết công nghệ thông tin, nhưng có khả năng quản lý điều hành công việc, có khả năng tập hợp, sẽ giải quyết được công việc dễ dàng. Tất nhiên là phải có cả ý tưởng. Lãnh đạo công nghệ thông tin không có ý tưởng thì rất khó”.
CIO giỏi – 5 trong 1
Sáng tạo, khéo léo, ý tưởng, tầm nhìn, tâm huyết và niềm tin – tất cả những phẩm chất cần có của một CIO, theo quan điểm của CIO Việt Nam, có lẽ đúng nhưng chưa đủ.
Ông Ray Smith – cựu CIO của công ty Public Company Accounting Oversight Board (PCAOB) – là người có thâm niên giữ trọng trách thiết kế, phát triển và triển khai mạng thông tin nội bộ của công ty, đồng thời đưa ra chiến lược phát triển công nghệ thông tin cho PCAOB. Từng kinh qua nhiều cương vị lãnh đạo phụ trách về công nghệ thông tin, ông Smith từng chia sẻ một vài kinh nghiệm của mình về CIO và những phẩm chất liên quan.
Theo ông Smith, một CIO giỏi là tập hợp thống nhất của 5 người: người xây dựng nhóm (Team Builder), người lãnh đạo tổ chức (Organizational leader), nhà giáo dục (Educator), nhà cải cách (Innovator) và nhà kỹ thuật (Technician).
Là một nhà xây dựng nhóm, muốn xây dựng một đội ngũ công nghệ thông tin thành công cần phải tập hợp những nhân viên khác nhau trong một đội ngũ, tiếp sinh lực và thúc đẩy họ. Khi nhóm được lập nên, thì nhóm đó là tài sản lớn nhất của một CIO.
Là một nhà lãnh đạo tổ chức, bạn phải hiểu cặn kẽ tổ chức của bạn, như về mặt chiến lược, tổ chức của bạn cung cấp những giá trị nào và như thế nào. Về mặt tài chính, đâu là động lực tài chính trong tổ chức của bạn và chúng tác động thế nào đến các bộ phận khác. Cần nhớ rằng, trong các tổ chức lợi nhuận, tiền vẫn là yếu tố có tính chất quyết định.
Còn nói CIO là một nhà giáo dục vì nhiều khi CIO phải đào tạo các lãnh đạo tổ chức, làm cho họ hiểu rằng giá trị của tổ chức được đem lại một phần là việc áp dụng công nghệ thông trong tổ chức. Tận dụng công nghệ thông tin cũng làm cho các bộ phận khác như tài chính, marketing, bán hàng… hoạt động nhanh chóng và hiệu quả hơn nhiều.
CIO ngày nay phải có hiểu biết toàn diện về từng hơi thở của khoa học và công nghệ thông tin. Không hiểu được các yếu tố trong cơ sở hạ tầng của ngành công nghệ thông tin như máy chủ, kho lưu trữ, cơ sở dữ liệu, ERP…, không hiểu về mạng lưới như viễn thông, bộ định tuyến, IPv6, VolP, đường vào từ xa…, không hiểu về an ninh như tường lửa, chống xâm nhập, VPN… khó có thể đề ra những chiến lược phù hợp với tình hình thực tế. Do đó, CIO phải là một nhà kỹ thuật nhạy cảm trong lĩnh vực chuyên môn.CIO phải là người biết hoà trộn tất cả những kỹ năng này và phân chia nó hợp lý để cân bằng các trách nhiệm nhằm đạt tới sự thành công của tổ chức.
Là một nhà cải cách, CIO cần hiểu đâu là đòn bẩy về mặt hoạt động và chiến lược của công ty. Hiểu biết sâu sắc về công việc kinh doanh trong một tổ chức công nghệ thông tin.
Ông Smith cũng lưu ý thêm, không có một công thức chung nào cho việc sử dụng kỹ năng của 5 nhà trên. Do đó, tuỳ hoàn cảnh và tuỳ từng yêu cầu và đặc điểm của từng công ty, tổ chức và doanh nghiệp, các CIO có thể vận dụng những kỹ năng cần thiết của mình. Song có một điều nên nhớ, CIO trước hết là lãnh đạo cấp cao.
9 CIO xuất sắc được tôn vinh trong lễ trao giải CIO Conference & Awards ngày 19/9:
1. Ông Nguyễn Quang Bắc, Giám đốc Trung tâm Khoa học Kỹ thuật và Công nghệ quân sự, Bộ Quốc phòng.
2. Ông Lê Hải Bình, Giám đốc CNTT, Pacific Airlines
3. Ông Nguyễn Công Bình, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Thống kê, Tổng cục Hải quan.
4. Ngô Minh Châu, Giám đốc trung tâm Tin học, Văn phòng Quốc hội.
5. Ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM.
6. Bà Trương Hoàng Ngọc, Trưởng bộ phận IT, Trưởng phòng Kế hoạch Savimex.
7. Ông Phạm Thanh Tân, Phó Tổng giám đốc, Ngân hàng NN&PTNT.
8. Ông Nguyễn Viết Thế, Cục trưởng Cục Công nghệ tin học nghiệp vụ, Tổng cục kỹ thuật, Bộ Công an.
9. Ông Hoàng Quốc Tuấn, Ban chỉ đạo CNTT các cơ quan Đảng.