Để tạo nên một đế chế tỷ đô, ngoài tư duy kinh doanh nhạy bén, Donald Trump còn thể hiện một bản lĩnh đàm phán bậc thầy thông qua hàng loạt những thương vụ “khủng”. Dưới đây là những bí quyết đàm phán độc đáo được ông rút ra từ cuộc đời kinh doanh của mình.
Ảnh minh họa
Bạn phải dũng cảm thì người ta mới khẩu phục tâm phục
Triết lý căn bản của Donald Trump trong việc thực hiện các thương vụ là: Kiên trì thuyết phục chứ không dùng quyền lực.
Quyền lực chỉ là khả năng buộc người ta chấp nhận ý kiến của bạn. “Không phải vì tôi là một nhà kinh doanh thành đạt mà tôi luôn luôn có thể giành được thắng lợi trong giao dịch làm ăn. Đúng là bây giờ tôi không cần phải ồn ào to tiếng trong công việc như trước kia. Tôi không cần phải hành động ào ào như chiếc xe ủi đất mới khiến người ta chú ý. Trái lại, tôi phải thuyết phục nhẹ nhàng như bất kỳ một nhà thương thuyết nào khác”.
Việc thuyết phục người khác có liên quan đến mức độ am hiểu về đàm phán. Hãy học nghệ thuật thuyết phục. Hãy luyện tập khả năng thuyết phục. Hãy phát triển sự hiểu biết của mình về giá trị sâu sắc của sự thuyết phục trong mọi phương diện đời sống.
Đừng tưởng người ta sẽ tin vào những lời sống sượng của bạn chỉ vì bạn có tài ăn nói. Trong phòng họp không giống như trong quán nhậu ngoài phố đâu.
Hãy tỏ ra bình dị với những người bạn đang thuyết phục. Hãy dùng cách nói ẩn dụ và các phân tích đã thực hiện sẵn. Nếu bạn tỏ ra quá “siêu” vượt trên khả năng nhận thức của họ, bạn sẽ khiến họ cảm thấy hoang mang, thua kém và tệ hại.
Nếu bạn bước vào một cuộc đàm phán mà không biết gì về đối phương thì hãy để họ nói, hãy lắng nghe và quan sát ngôn ngữ cơ thể của họ, xem họ có thực sự muốn thương lượng không hay chỉ tỏ ra khôn khéo để lòe bạn thôi.
Những nhà đàm phán tài giỏi nhất giống như những con tắc kè hoa. Thái độ, hành vi, phương pháp và tư thế của họ trong cuộc đàm phán đều phụ thuộc vào đối phương.
Nếu đối phương muốn nhận được thứ gì của bạn, hãy để họ ra sức thuyết phục bạn rằng thứ đó là cái bạn không cần hoặc không muốn dùng đến. Làm như thế họ vô tình cho bạn thấy họ cần thứ gì đó đến ngần nào.
Điều quan trọng hơn hết là hãy tìm hiểu đối phương trước khi bạn ngồi vào bàn đàm phán với họ. Hãy nghiên cứu xem mình sẽ thương lượng với ai, cách họ đàm phán như thế nào và họ muốn gì ở mình.
Cân nhắc xem phía bên kia muốn gì
Một trong những cuộc đàm phán thành công nhất mà Donald Trump đã thực hiện là việc mua tòa nhà cao nhất khu hạ Manhattan, rộng gần 400.000 m2 với giá 1 triệu đô la và các cuộc đàm phán chủ yếu do trực giác và sự toan tính thời gian.
Bạn có biết tại sao Donald Trump lại có thể dễ dàng mua được tòa cao ốc nổi tiếng này? Đó là vì ông đã cẩn thận theo dõi ngôi nhà này hàng chục năm và biết chờ đợi thời cơ, nắm rõ được đối phương đang nghĩ gì và thương thuyết thành công.
Biết chính xác mình muốn gì và đừng tiết lộ điều mình biết
Nếu bạn thận trọng với những điều mình đưa ra, bạn sẽ cần uyển chuyển hơn khi bạn thu thập thông tin về các cuộc thương lượng.
Đừng giới hạn mình trong những điều kỳ vọng. Đôi khi cái mình tưởng là mình cần, và cái mình thực sự cần là hoàn toàn khác nhau.
Trước khi bước vào một cuộc đàm phán, bạn hãy ghi ra các mục tiêu của mình. Hãy cố gắng dự kiến xem đối tác sẽ đòi hỏi những gì. Hãy tìm ra cách nói trong cuộc thương lượng và đề ra một số giới hạn sao cho không bên nào bị đẩy vào tình huống bế tắc.
Hãy biết mình muốn gì và chủ yếu là giữ kín ý định của mình cho đến giờ phút cần thiết về mặt chiến lược. Một khi mọi vấn đề ngã ngũ, bấy giờ bạn sẽ có cách riêng để lèo lái sự việc theo giải pháp của mình đưa ra.
Giả vờ mất cảnh giác
Hãy cho ai đó một thông tin thật đáng giá, hoặc một ý khiêu khích để xem phản ứng của họ ra sao.
Nếu bạn nói mà có vẻ như không suy nghĩ trước, bạn có thể nhận được một lời đáp lại cung cấp nhiều thông tin. Trong cuộc thảo luận, Donald Trump có thể thốt ra một vài lời quá đáng để xem người ta có hùa theo mình không hay họ giữ lập trường của họ và không đồng ý với mình. Đó là một cách hay để phán đoán nhuệ khí của đối tác. Họ có muốn chiếm được cảm tình của mình không? Họ có vững vàng tiếp nhận những điều ngoài dự kiến không? Họ có thể ăn nói thẳng thắn, bộc trực không?
Bạn cũng nên biết người đàm phán với mình có bịp mình không. Nếu đụng phải vấn đề nghiêm trọng, bạn chẳng muốn gặp phải một anh phỉnh phờ nào cả. Hãy tìm hiểu kỹ tiểu sử người đàm phán với mình.
Theo “Tôi đã làm giàu như thế”/hoclamgiau