Dụng người không thể nói suông

Chảy máu chất xám” ở nơi này thì lại là “thu hút nhân tài” từ phía ngược lại. Chung quy cũng từ hai chữ “dụng người”. Xét cho cùng, khi chất xám được ví là “hàng hóa cao cấp” thì cũng phải theo quy luật “thị trường”: ở đâu được giá nhất thì bán. 

Ảnh minh họa

Hơn ai hết, du học sinh là những người hiểu và thấm thía vấn đề này nhất khi được tiếp xúc và dung nạp những kiến thức, phương pháp làm việc tiên tiến của các nước phát triển trên thế giới. Về nước cống hiến thì đối diện với việc lương không đủ tái tạo sức lao động, cơ chế tác phong làm việc ỳ trệ, thiếu động lực phát triển để rồi cứ mai một dần, mòn đi. Còn nếu ở nước ngoài tiếp tục làm việc, tự nâng cao mình hơn nữa thì phải chấp nhận sống xa quê hương, gia đình, nỗ lực hết mình để trụ được nơi đất khách. 
Song, xu thế phát triển của thế giới đã góp phần rất lớn trong việc hình thành nên suy nghĩ trở thành “công dân toàn cầu” của các trí thức trẻ. Không còn gò bó trong phạm vi hẹp mà là những tham vọng, những ước mơ thăng hoa của trí tuệ con người. Và như thế ở đâu có sự ưu ái, có những điều kiện để những mầm ước mơ đó thành hình và lớn mạnh thì sẽ giữ được người tài giỏi.
Các cường quốc công nghiệp phát triển luôn biết làm thế nào để ươm những mầm ước mơ ấy một cách tốt nhất. Quy luật của cuộc chơi rất rõ ràng là không ai cho không ai cái gì cả. Tuy nhiên, cái cách cho của những nước này khiến những người giỏi cảm thấy được trân trọng và được thừa nhận. Sự đãi ngộ không chỉ đủ cho cá nhân mà còn đảm bảo cuộc sống sung túc cho những người thân của họ. Khi ấy, người giỏi không phải đối diện với nỗi lo cơm áo gạo tiền và an tâm cống hiến để tạo ra những giá trị thặng dư đôi khi không thể tính được bằng những đồng USD. 
Trong khi đó, điều chúng ta đã và đang làm gần như mới chỉ là “kêu gọi”. Còn đãi ngộ và tạo điều kiện cho người giỏi về cống hiến thì hầu như chưa làm được. Thậm chí còn có trường hợp bạc đãi với những trí thức đã từng về nước xây dựng, cống hiến hàng chục năm cho nền giáo dục nước nhà như một GS ngành Hàng không mới đây. Cứ thế thì làm sao người giỏi có thể toàn tâm mà cống hiến, phục vụ đất nước? 
Không thể cứ sống mãi bằng sự lý tưởng trong khi mọi mặt của đời sống đều đã bị thị trường hóa. Hãy trân trọng những người giỏi đúng với giá trị thực của họ. Đó mới là cái gốc của sự phát triển bền vững.