Cạnh tranh nhân lực bằng môi trường làm việc

Sự phát triển bền vững của doanh nghiệp (DN) dựa trên nền tảng con người. Theo ông Cao Tiến Vị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giấy Sài Gòn, trong tình hình cạnh tranh nhân lực như hiện nay, nếu không tạo dựng được môi trường làm việc thân thiện, DN sẽ khó giữ được chân người tài. 

Ảnh minh họa


Giữ người từ những việc nhỏ 
Cách đây không lâu, chúng tôi có dịp đến Công ty Chứng khoán Gia Quyền. Có một sự khác biệt so với nhiều nơi khác là trên bàn tiếp tân, phòng họp, phòng làm việc… lúc nào cũng bài trí những lẵng hoa tươi thắm. Không những thế, khi vừa đặt chân vào công ty, hễ gặp khách là nhân viên đều tươi cười, chào hỏi thân thiện. Một không khí làm việc luôn cởi mở, chân tình. 
Người tạo ra “bộ mặt” mới, có công gắn kết mọi người lại với nhau, tạo nên môi trường làm việc năng động, chuyên nghiệp cho công ty này là chị Huỳnh Ngọc Ánh, giám đốc nhân sự. Theo chị Ánh, ngày mới thành lập, công ty có 80 người. Tìm một người mới đã khó, đối phó với người cũ bỏ việc, bị công ty đối thủ lôi kéo càng khó hơn. Chủ trương của ban giám đốc là bằng mọi giá phải đưa ra chính sách, biện pháp phù hợp để giữ chân nhân viên. Trong trách nhiệm của mình, chị Ánh bắt tay vào việc xây dựng chính sách phát triển nhân sự, vạch rõ cơ hội thăng tiến nghề nghiệp cho nhân viên có năng lực, áp dụng chiêu thức giảm căng thẳng cho mọi người, tạo không khí hòa nhã từ môi trường làm việc. Để thực hiện ý tưởng của mình, chị đã đến các cửa hàng hoa, chọn những lẵng hoa tươi thắm nhất gởi đến các phòng, ban. Ngoài ra, chị còn đề xuất có thêm một nhân viên… chuyên giải quyết những chuyện buồn, vui. Mỗi khi có nhân viên đến công ty với tâm trạng không vui, chị hoặc cô nhân viên ấy đến tâm sự, chia sẻ ngay. Chính những chuyện nhỏ mà chị làm đã khiến mọi người trong công ty luôn vui vẻ, làm việc hết mình, ít người bỏ công ty đi nơi khác. 

Nụ cười và sự chia sẻ 
Ngày từ bỏ công ty quảng cáo về đảm nhận vị trí thư ký cho tổng giám đốc một công ty kinh doanh sản xuất vật liệu xây dựng, Lý Minh Thư đã không khỏi bất ngờ trước sự “bế quan tỏa cảng” của nhiều nhân viên. Đã có lúc Thư bật khóc vì cách hành xử dửng dưng của những “ma cũ” dành cho “ma mới”. Thư nhận ra môi trường làm việc không thân thiện, cởi mở đã làm cho mọi người tự “đóng cửa”. “Từ chán nản, tôi quyết tâm thay đổi môi trường làm việc tại công ty” – Thư kể. Ngay sau đó, mỗi ngày trước giờ làm việc, Thư đều tranh thủ 15 phút đến các phòng, ban, gặp gỡ mọi người, giới thiệu về mình. Và cô không quên nở nụ cười khi gật đầu chào hỏi, tiếp chuyện với họ ngay cả lúc lên hay xuống cầu thang. Lúc đầu, có người nói: “Con nhỏ này khùng”. Nhưng dần dà, sự thân thiện, cởi mở của Thư đã khiến mọi người thay đổi suy nghĩ. Mỗi khi thấy Thư, thay cho cái nhìn dửng dưng ngày trước là sự chào hỏi nhiệt tình và nụ cười rạng rỡ của các nhân viên. Dần dần, thói quen ấy được mọi người xem như nét riêng của công ty. Thư tâm sự: “Tôi nghĩ, nụ cười và lời chào cho một ngày mới sẽ là liều thuốc quý cho đồng nghiệp trong một ngày làm việc căng thẳng. Biết rằng ai cũng có những phiền muộn nhưng nếu cứ đem sự phiền muộn ấy đến công ty và truyền sang mọi người thì công sở không khác gì đang gặp thảm họa”. 

Chia sẻ để có đồng thuận 
Tại một hội thảo về nguồn nhân lực, giám đốc một DN sản xuất hàng tiêu dùng kể một câu chuyện: Cách đây gần 5 năm, có một nhân viên kinh doanh làm thất thoát của công ty gần 10.000 USD. Nhưng khi ấy, ông không hề la mắng hay dọa đuổi việc, mà chỉ nói với anh ta rằng: “Đấy là số tiền để anh học lấy bài học kinh nghiệm”. Sau sự cố ấy, được sự động viên của vị giám đốc, nhân viên ấy đã làm việc hết mình để khắc phục những thiệt hại gây ra. Chỉ ba năm sau, anh trở thành người làm việc có năng suất cao nhất và trở thành người đóng góp nhiều nhất cho công ty. Hiện nhiều công ty gởi lời mời với mức lương cao ngất nhưng anh nhân viên ấy không bỏ đi mà quyết chí gắn bó với công ty. 
Trong quản trị DN và xây dựng chính sách phát triển nhân sự, mỗi DN tự tìm cho mình một cách làm khác nhau. Tuy nhiên, nói như ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT – Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoa Sen, trong suy nghĩ của nhà quản lý, đừng bao giờ xem người lao động đơn thuần là người làm thuê mà phải xem họ là người bạn, cộng sự, phải chia sẻ, biết cách tạo ra sự đồng thuận giữa các cấp nhân viên, gắn kết mọi người với nhau. 
Tiếc là hiện nay, vì nhiều lý do, không ít DN vẫn còn xem nhẹ công việc quản trị nhân lực, chưa tạo ra môi trường làm việc tốt nhất cho nhân viên làm việc.