7 cách để thu phục lòng người

Làm việc muốn đạt được hiệu quả cao, cần nhất vẫn là không khí đoàn kết hợp tác của tất cả các cá nhân trong tập thể. Một người quản lý giỏi cần phải là một nhà tổ chức tài năng, luôn thiết lập được một không khí làm việc chuyên nghiệp, nghiêm túc mà vẫn khơi gợi những sáng tạo của nhân viên cấp dưới. 

Ảnh minh họa

Làm thế nào để thu phục những nhân viên cấp dưới, khiến họ làm việc không chỉ vì trách nhiệm mà còn vì lòng yêu thích và sự gắn bó với đồng nghiệp? Nhà quản lý hiện đại có thể tham khảo các bí quyết sau đây: 

1. Hợp tác và chia sẻ 
Hãy chia sẻ những suy nghĩ thường xuyên hơn, lắng nghe và tiếp thu những ý kiến khác sẽ khiến bạn có được sự ủng hộ của mọi người nhiều hơn, nhờ thế triển khai mọi kế hoạch sẽ thuận lợi hơn. Trừ trường hợp họp quan trọng, còn lại hãy luôn ở trạng thái có thể liên lạc được (Internet kết nối, điện thoại bật…) cũng như ở trong tư thế sẵn sàng lắng nghe và giải quyết. 
Hãy sát cánh với cấp dưới ở mọi nhiệm vụ, từ khi lên kế hoạch đến việc triển khai chi tiết. Một người quản lý tốt là người chia sẻ được công việc cho từng nhân viên của mình, để ai cũng có được cơ hội khẳng định năng lực và nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. Đôi khi chia sẻ chính là để bạn nói rõ những lo lắng của mình để cùng giải quyết, đưa ra giải pháp thích hợp. 

2. Mỉm cười 
Một nụ cười tươi tắn chân thành luôn mang lại may mắn cho mọi người và cũng là một trong những yếu tố gắn kết tình thân. Hãy luôn giữ nụ cười tươi tắn trên môi và chỉ nói những điều cần thiết, tránh dài dòng. 
Hãy xóa tan không khí căng thẳng của công sở bằng những nụ cười động viên ấm áp. Tuy vậy cũng cần tiết chế những cảm xúc vui vẻ quá mức tại công sở, điều đó rất dễ khiến các nhân viên hiểu lầm hay cấp trên đánh giá là bạn thiếu chuyên nghiệp. 

3. Hiểu người biết việc 
Luôn quan tâm đến nhân viên, đặt mình vào vị trí của họ. Điều nguy hiểm nhất của một doanh nghiệp là không biết nhân viên của mình nghĩ gì, những mong muốn, nguyện vọng của họ với nghề nghiệp; sở trường của họ; những cấm kỵ giao tiếp… 
Tất cả những điều này cũng quan trọng như mục tiêu chiến lược của công ty, kế hoạch quý của nhóm…Tố chất và tinh thần của nhân viên chính là điểm quyết định cho thành công cuối cùng của mọi kế hoạch. 
Luôn có những điều chỉnh kịp thời với những thay đổi từ biểu hiện nhân viên cũng như yêu cầu công việc. Nếu nhân viên làm tốt, có nhiều sáng kiến hãy nhanh chóng thay đổi mức đãi ngộ cho họ. Mức lương luôn cần được điều chỉnh cùng với khối lượng công việc được giao. Tuy nhiên đừng lạm dụng việc “thử sức” nhân viên mới nếu không muốn để tiếng xấu và mất đi những người nhiệt huyết nhất. 

4. Không để ý chuyện lặt vặt 
Quan tâm đến nhân viên không có nghĩa là để ý và có ý kiến về mọi mặt cuộc sống. Bạn không thích cách ăn mặc của nhân viên này, bạn không thích lối nói chuyện oang oang của nhân viên kia, điều đó cũng không quan trọng đến mức bạn phải nhăn nhó khi đối diện với họ. Hãy chỉ lên tiếng khi mọi việc ảnh hưởng trực tiếp đến công việc chung, làm giảm khả năng sáng tạo của những người khác. Còn lại, hãy thoải mái hơn với các vấn đề nhỏ nhặt thường ngày. Mọi người đều cần được tôn trọng với những nét cá tính riêng của mình. 

5. Có nguyên tắc nhưng không cố chấp 
Sếp là người đưa ra những quy định chung của tập thể đồng thời cũng là người duy trì những quy định đó trong điều kiện và hoàn cảnh làm việc. Tuy nhiên mọi nguyên tắc đều cần dựa trên hoàn cảnh cụ thể và có những điều chỉnh phù hợp. 
Người Á Đông thường “duy tình”, trong công việc thường bị cảm nhận riêng ảnh hưởng hay có những ứng xử kiểu “dĩ hòa vi quý”. Trong một nền kinh tế thị trường như hiện nay, quy mô doanh nghiệp mở rộng, lĩnh vực hoạt động phong phú hơn… đòi hỏi doanh nghiệp phải nâng cao hơn nữa tính chuyên nghiệp. Vì thế hay xây dựng một hệ thống quy định chặt chẽ, nơi mọi quyết định đưa ra đều có cơ sở, với sự thông hiểu của mọi người. 

6. Biết tôn trọng cấp trên và lợi ích chung 
Dù thế nào thì cấp trên của bạn cũng là người đưa ra những quyết định và bạn hãy nên vui vẻ để thực hiện điều đó, như là việc bạn muốn cấp dưới của mình thi hành nhiệt tình và có trách nhiệm những mệnh lênh của mình. 
Hiện nay nhiều sếp trẻ tuổi được đào tạo tốt, có tham vọng, cấp tiến. Tuy nhiên việc tự tin thái quá vào khả năng của bản thân khiến họ có chiều hướng phản đối những cấp trên giàu kinh nghiệm của mình. 
Lợi ích chung của doanh nghiệp là quan trọng nhất, nó sẽ đảm bảo tương lai thăng tiến của bạn. Vì thế hãy tôn trọng cấp trên và cống hiến cho doanh nghiệp. Trong trường hợp không hài lòng với những biểu hiện làm xâm hại lợi ích công ty của lãnh đạo, hãy chuẩn bị những ý kiến của bạn một cách khoa học có hệ thống, chọn thời điểm thích hợp để trình bày nó một cách mềm mỏng. 
Sẽ là không cần thiết và thậm chí là ngu ngốc khi muốn nổi bật ngay trước những nhà lãnh đạo dày dặn của bạn. 

7. Tránh trầm trọng hóa vấn đề 
Tất cả mọi vấn đề đều có cách giải quyết nào đó, chủ yếu là tìm được nguyên nhân thì chắc chắn sẽ có những giải pháp khắc phục. Trong mọi tình huống người lãnh đạo cần giữ được sự tỉnh táo, điềm tĩnh, tránh làm cho nhân viên của mình hoang mang. 
Tránh trầm trọng hóa vấn đề còn thể hiện ở việc không làm to chuyện những lỗi lớn của nhân viên. Khi không hài lòng hãy dùng biện pháp đối thoại chứ không nên “đấu tố” ầm ỹ, cảnh cáo gián tiếp khiến không khí doanh nghiệp nặng nề. Điều này cũng có thể khiến nhân viên của bạn bớt tôn trọng bạn đi. Tốt nhất là hãy tổ chức một cuộc trò chuyện 2 người thẳng thắn nhưng tế nhị, mọi chuyện sẽ được giải quyết ổn thỏa. 
Không thể điều hành doanh nghiệp thành công nếu không tạo lập được một môi trường làm việc tốt.