Có một nhà lãnh đạo tài năng than phiền rằng ông thường phải sử dụng phương pháp tâm lý học nghịch đảo để lãnh đạo “những kẻ sáng tạo”: “Nếu bạn muốn họ rẽ phải, hãy bảo họ rẽ trái”. Quả thật, với những nhân viên quá thông minh, nếu bạn càng đẩy họ đi, họ sẽ càng ỳ lại.
Vậy làm sao để lãnh đạo những người vốn không muốn bị “dắt mũi” và thậm chí còn thông minh hơn bạn?
Hiểu biết về những người thông minh
Trong những năm gần đây, trái với những suy nghĩ của nhiều người, các CEO không nhất thiết phải là những người sáng tạo và cực kỳ thông minh. Những người thông minh luôn cần một tổ chức cũng như tổ chức cần đến họ. Họ không thể làm việc hiệu quả nếu thiếu các nguồn lực. Bản thân những người thông minh cũng có thể là khởi nguồn của các ý tưởng lớn, nhưng nếu không có cách làm việc hệ thống và kỷ luật thì kết quả đạt được cũng sẽ rất nhỏ nhoi.
Những con người thông minh đó lại biết rất rõ bạn cần họ, cần kiến thức và kỹ năng của họ. Những người thông minh coi thường ngôn ngữ cấp bậc. Mặc dù, họ ý thức rất rõ ai là người trả lương nhưng vẫn tỏ thái độ bàng quan hay thậm chí là coi thường. Vì vậy, đừng mong đợi sẽ quyến rũ họ bằng chức danh hấp dẫn và những trách nhiệm mới.
Những nhân viên tài năng thường muốn làm “công việc thực sự”. Tất nhiên không có nghĩa là họ không quan tâm đến chức vụ. Thực ra họ rất quan tâm, nhưng họ cho rằng chính họ đã là một phần của cộng đồng những người chuyên nghiệp.
Tóm lại, các nhà lãnh đạo cần biết bảy điều chung nhất về những nhân viên thông minh:
1. Họ biết giá trị bản thân.
2. Họ biết rất rõ về tổ chức mình làm việc.
3. Họ bỏ qua chế độ cấp bậc.
4. Họ hy vọng gặp được những người quản lý thoáng.
5. Họ thường có những mối quan hệ tốt.
6.Họ thường có “sức chịu đựng” thấp đối với sự buồn chán.
7. Họ sẽ không nói cảm ơn.
Quản trị hành chính
Theo quan điểm của những người thông minh, họ coi cơ chế hành chính của tổ chức như “vật cản” đối với hoạt động tạo giá trị gia tăng của mình. Vì vậy, họ cần được bảo vệ khỏi những luật lệ và chính sách lằng nhằng trong công ty.
Hãy tạo cho họ một môi trường làm việc với những luật lệ và quy tắc đơn giản, dễ được chấp nhận để từ đó họ thấy thoải mái phát huy tài năng của mình.
Khuyến khích thất bại
Trên lý thuyết thất bại là thực tế cần phải chấp nhận, nhưng mỗi thất bại thường làm những nhân viên thông minh mất niềm tin. Các nhà lãnh đạo khôn ngoan phải biết cách giúp nhân viên của mình sống với sai lầm.
Những nhà lãnh đạo khôn ngoan cũng nhận ra rằng những ý tưởng hay nhất không phải bao giờ cũng đến từ dự án của công ty, mà có thể đến từ nỗ lực của những cá nhân thông minh trong công ty.
Xây dựng lòng tin
Tuy việc khiến cho những nhân viên thông minh cảm thấy mình là người đặc biệt và giúp cho họ luôn tự tin là điều cần thiết, nhưng quan trọng hơn là hãy giúp họ nhận ra bạn và họ có mối liên hệ phụ thuộc, cho họ thấy bạn và những người khác trong tổ chức vẫn có thể làm những việc mà họ không thể hoàn thành.
Theo kinh nghiệm của những nhà lãnh đạo khôn ngoan từng lãnh đạo những người thông minh nhất, bạn cần trở thành một “người bảo hộ rộng lượng” hơn là một ông chủ truyền thống. Bạn cần tạo ra một môi trường làm việc an toàn dành cho những nhân viên thông minh, khuyến khích họ tiến hành thử nghiệm và thậm chí chấp nhận sai lầm; đồng thời luôn thể hiện rõ kiến thức uyên bác cũng như trách nhiệm trong mọi hoàn cảnh.
Bạn có thể quản lý thời gian của họ, nhưng sẽ khôn ngoan hơn nếu bạn học được cách lãnh đạo mà vẫn dành cho các nhân viên này một không gian tự do, khi đó họ sẽ làm việc rất hiệu quả. Nếu làm được điều này, thì phần thưởng dành cho bạn sẽ như đóa hoa nở rộ và tổ chức của bạn sẽ hoạt động vô cùng hiệu quả.
Theo human-pro