Chiến lược Kế sách: Be bờ tát cá trong kinh doanh

Kế sách: Be bờ tát cá trong kinh doanh

61
Nói đến be bờ tát cá là nói đến một hoạt động đời sống rất đỗi bình thường của người dân Việt Nam, nhất là với những người ở nông thôn. Việc be bờ tát cá cũng rất đơn giản. Mỗi khi đến vụ thu hoạch cá, trước khi tát nước, người ta thường đắp bờ cao lên để tránh cá nhảy sang ao khác.
Mỗi ao, mỗi hồ đều được giao cho một người hoặc một nhóm nhất định canh tác, be bờ sẽ giúp tát được nhiều cá nhất, lại không gây ra tranh chấp. Đó là trong sinh hoạt đời thường. Còn trong đời sống kinh doanh, be bờ tát cá lại chỉ sự chu toàn, lường trước mọi tình huống để công việc đạt kết quả tốt nhất. 
Phương thức, tình huống áp dụng kế sách Be bờ tát cá trong kinh doanh rất linh hoạt và đa dạng. Từ việc chuẩn bị một buổi đàm phán, tiếp xúc khách hàng đến việc đầu tư công nghệ, máy móc, mở rộng nhân sự hay quy mô công ty…Ví dụ như đi chào hàng chẳng hạn.
Vẫn biết đây là hoạt động thường ngày của các công ty, đặc biệt là nhân viên bán hàng. Song không vì thế mà việc chào hàng trở nên nhàm chán hay đơn giản. Người đi chào hàng cần chuẩn bị tài liệu giới thiệu về sản phẩm thật tỷ mỷ, phong phú. Họ phải là người hiểu rõ về sản phẩm nhất, kể cả những nhược điểm của nó để khi khách hàng hỏi đến bất cứ chi tiết nào cũng có thể giải đáp một cách thỏa đáng nhất. 
Hoặc trước khi gặp đối tác, cần phải tìm hiểu họ là người như thế nào? tính cách ra sao? Sở thích đặc biệt là gì?…để có thể đưa ra cách tiếp cận thích hợp nhất. Ngoài ra, khi đến gặp đối tác thì từ hình thức cho đến tác phong, thái độ, giọng nói cũng phải đúng mực, khéo léo để tạo được thiện cảm ngay từ cái nhìn đầu tiên, như vậy sẽ thành công dễ dàng hơn.
Hay như trong thuyết trình, mặc dù ta đã chuẩn bị chu toàn nhưng mọi sự cố đều có thể xảy ra. Ví dụ như máy móc, thiết bị đột nhiên hỏng hóc, nếu không có sẵn phương án dự phòng thì coi như mọi sự chuẩn bị công phu suốt bao nhiêu ngày tháng trước đó đều đổ sông đổ bể hết. Hãy tưởng tượng bạn cần nhấn mạnh một khu vực trên bản vẽ đang trình chiếu, bạn lại để quên bút chỉ laze. Thế là tha hồ mô tả cho khách hàng biết thực ra bạn đang nói đến khu vực nào. Hoặc để quên jack chuyển phích cắm chẳng hạn … 
Với công tác chuẩn bị các hồ sơ dự thầu, kế sách be bờ tát cá lại càng cần phải quán triệt. Nhiều khi chỉ vì lỗi rất nhỏ như văn bản làm chưa chuẩn với hồ sơ đóng quyển xộc xệch, bìa hồ sơ nhem nhuốc, sai biểu mẫu hay lỗi chính tả … Tất cả sẽ gây ra ấn tượng xấu và công ty bạn có khả năng ngay lập tức bị loại khỏi cuộc.
Dân ta thường đại khái trong công việc, coi những chuyện thiếu chỉn chu đó là vụn vặt, tiểu tiết, không đáng quan tâm hay không gây ra hậu quả gì. Nhưng thực tế, nền kinh tế phát triển, nguy cơ cạnh tranh không ngoại lệ với bất kỳ ngành nghề nào. Chính những chi tiết nhỏ đó lại là tiêu chuẩn đánh giá mức độ “chuyên nghiệp”, thậm chí đẳng cấp sản phẩm, dịch vụ của các công ty. Có một ví dụ rất đắt giá về sự thiếu chu toàn của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam như sau:
Hồi cuối những năm 80 thế kỷ trước, sau khi khối SEV tan rã, các ngành sản xuất của Việt Nam nói chung và ngành dệt may nói riêng đều đứng trước tình thế hết sức khó khăn. Nguyên nhân là do trước đây, các đơn hàng đều là do nhà nước đưa về, mặc dù là buôn bán nhưng mang nặng hình thức trao đổi hàng hóa giữa Việt Nam và những nước trong khối. Trong tình hình mới, các doanh nghiệp dệt may phải tự tìm thị trường cho mình.
Sau những lần tiếp xúc đầu tiên với đối tác, hàng Việt Nam bị trả lại do không có thương hiệu . Doanh nghiệp Việt Nam đành chấp nhận gia công cho các thương hiệu của nước ngoài. Khi cầm những chiếc áo do phía ta giới thiệu, phía đối tác tỏ ra rất bực mình và nói rằng “Sao lại mang đồ thứ phẩm sang chào hàng?”. Phía ta rất ngạc nhiên, giải thích rằng đây là những mẫu hàng hóa mới nhất, tốt nhất, chất lượng cao, chất vải cao cấp lại được sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại. Lúc đó phía đối tác mới chỉ ra những vết dầu máy rất nhỏ trên tay áo, những đường chỉ chưa cắt hết. Vụ chào hàng coi như thất bại.
Có thể thấy rằng mặc dù đã đầu tư biết bao tiền của vào máy móc công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã nhưng chỉ vì chủ quan, sơ xuất trong khâu kiểm tra chất lượng, bỏ sót những mối chỉ rất nhỏ mà mặt hàng đó đã bị từ chối và bị coi là hàng phế phẩm. Thật là một bài học lớn từ những việc nhỏ.