Quỹ mở hút tiền

Quỹ mở hút tiềnLãi suất tiền gửi giảm khiến kênh đầu tư quỹ mở trở nên hấp dẫn hơn, thu hút dòng tiền lên đến 15 triệu USD.
Ảnh minh họa

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố một loạt thông tin tích cực như cắt giảm lãi suất huy động ngắn hạn tối đa kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng bằng tiền đồng giảm từ 6%/năm xuống 5,5%/năm, bằng USD giảm từ 1%/năm xuống 0,75%/năm, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa dành cho các lĩnh vực được ưu tiên giảm từ 8%/năm xuống 7%/năm.
Tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 24/10 của toàn hệ thống NH đạt 7,85%; tăng trưởng tiền gửi đạt 11,88% và tổng phương tiện thanh toán tăng 11,85% so với cuối năm 2013…
Trên thị trường, mức lãi suất thấp nhất trong hệ thống “rơi” xuống 4%/năm ở kỳ hạn 1 tháng. Tại các kỳ hạn cao hơn 6 tháng, lãi suất tại các NH có sự chênh lệch khá cao. Sau ngày trần lãi suất mới được áp dụng, Ngân hàng Bản Việt niêm yết mức cao nhất 8,1%/năm cho 2 kỳ hạn 15 tháng và 18 tháng, từ 1 đến dưới 6 tháng, lãi suất áp ở mức trần.
Nhưng tới ngày 4/11, Bản Việt lại một lần nữa điều chỉnh bảng lãi suất, mức lãi suất cao nhất chỉ còn 7,8% cho các kỳ hạn dài từ 18 tháng tới 60 tháng. Nhưng tại phòng giao dịch Trần Khát Chân, NH này vẫn treo biển lãi suất 8,3%/năm.
Thực ra, cũng còn khá nhiều NH vẫn duy trì mức lãi suất trên 8%/năm. Khi gửi tiết kiệm ở 3 kỳ hạn cao nhất, khách hàng của NH Bắc Á nhận được khoản lãi 8,2%/năm. NH Phát triển nhà TP.HCM áp dụng mức 8%/năm cho kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng.
Trong khi đó, NH Phương Đông chỉ dành mức 8%/năm cho kỳ hạn 13 tháng. Nhưng một mức sàn chung là đa số các NH còn lại đều thực hiện chính sách lãi suất thấp hơn, trên 7%/năm.
Các NH lớn thậm chí còn áp dụng mức lãi suất thấp hơn. Trong khi “trần” lãi suất tại NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là 7%/năm cho kỳ hạn dài, thì tại NH Ngoại thương Việt Nam, mức cao nhất chỉ là 6,3%/năm cho kỳ hạn từ 24 tháng đến 60 tháng… Sự điều chỉnh mạnh lãi suất nhiều người tỏ ra chán nản với kênh đầu tư kém hiệu quả này và đã làm thay đổi dòng tiền đầu tư.
Đối với các thành phần liên quan đến thị trường chứng khoán (TTCK), xu hướng giảm dần lãi suất cũng được giới đầu tư kỳ vọng sẽ kéo dòng tiền từ kênh tiền gửi chảy sang chứng khoán, đặc biệt là tiền chảy vào quỹ đầu tư. Trong đó, tính riêng thị trường quỹ mở, chỉ chưa đầy 1 năm xuất hiện tại Việt Nam, số tiền chảy vào các quỹ đầu tư mở đã lên khoảng 15 triệu USD.
Theo một giám đốc tài chính của một quỹ mở tại TP.HCM, sự phình to của quỹ mở là xu thế tất yếu vì hiện nay quỹ mở đang có những ưu thế nổi trội so với các loại hình đầu tư sinh lợi khác như gửi tiết kiệm, đầu tư BĐS, chứng khoán…
Để tăng tính thuyết phục, tư vấn viên tài chính của quỹ Công ty CP Quản lý quỹ Vina Wealth (Vina Wealth) cho biết, trong năm 2014, Vina Wealth có 2 hình thức đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu. Đối với lĩnh vực đầu tư trái phiếu, tỷ suất sinh lợi mà Vina Wealth đem lại cho NĐT là 16,4%.
Có thể thấy, thị trường chứng khoán được các chuyên gia dự đoán tiếp tục phát triển từ 2-5 năm tới. Nếu chọn đầu tư trực tiếp vào chứng khoán thì đòi hỏi nhà đầu tư phải thường xuyên quan tâm, theo dõi, bám sát thực trạng, phân tích xu hướng phát triển của các công ty mà mình đầu tư cổ phiếu.
Việc đầu tư vào các chứng chỉ quỹ của các quỹ đầu tư là một lựa chọn đáng xem xét do có ưu điểm như giải quyết được rào cản về thời gian, kiến thức tài chính hoặc tiền bạc cho cá nhân muốn tham gia đầu tư vào chứng khoán.
Chưa kể, nếu như trước đây, quỹ đóng và quỹ ETF có những điều kiện chặt chẽ và kén nhà đầu tư, thì nay quỹ mở gần như giải tỏa được hết những khiếm khuyết trước đó. Đơn cử, nhà đầu tư chỉ cần có 200.000 đồng đã có thể tham gia vào quỹ mở, có thể góp tiền hoặc rút tiền bất cứ khi nào tùy thích mà không bị phạt lãi suất trước hạn giống như NH.

Theo DNSG