“Ngân hàng chưa bao giờ cho vay quá 5% vốn vào cổ phiếu”

Trước lo ngại Thông tư 36 mới ban hành của NHNN sẽ gây khó khăn cho thị trường chứng khoán, tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng thực chất ông mong chờ điều ngược lại.
Ảnh minh họa

Theo tôi, Thông tư này đã kế thừa tích cực Thông tư 13 và Thông tư 19 trước đó. Thông tư này cũng đã sửa đổi, bổ sung một số quy định cho phù hợp với thực tế quản lý, quản trị của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, đồng thời hạn chế cách hiểu và thực hiện sai lệch trong quá trình thực hiện của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong thời gian qua.

Một điểm khá mới trong Thông tư lần này so với Thông tư 13 và Thông tư 19 trước đó là quy định nội bộ, ông có nhận xét gì về những điểm khác này?
Một trong những điểm mới mà tôi cho là rất quan trọng, đó là quy định nội bộ (Điều 4). Theo đó, quy định nội bộ của các TCTD tối thiểu phải có một số quy định có tính trọng yếu như: Quy định nội bộ về cấp tín dụng, quản lý tiền vay để bảo đảm việc sử dụng vốn vay đúng mục đích; Quy định nội bộ về đánh giá chất lượng tài sản và tuân thủ tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu; Quy định nội bộ về quản lý thanh khoản.
Việc yêu cầu TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ban hành Quy định nội bộ về đánh giá chất lượng tài sản có và tuân thủ tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu nhằm yêu cầu TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo dõi, đánh giá, đo lường thường xuyên các yếu tố tác động đến tỷ lệ an toàn vốn, từ đó có kế hoạch kinh doanh phù hợp, kịp thời bổ sung vốn để bảo đảm tuân thủ quy định, đồng thời cũng là cơ sở thanh tra, giám sát nhằm ngăn chặn, hạn chế trước các nguy cơ dẫn đến suy giảm vốn tự có là rất đúng và cần thiết.
Thông qua quy định này, các TCTD phải theo dõi, đánh giá, đo lường thường xuyên các yếu tố tác động đến khả năng chi trả từ đó có kế hoạch kinh doanh phù hợp, chủ động sử dụng các công cụ được phép để xử lý thiếu hụt tạm thời khả năng chi trả, đồng thời là cơ sở để Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng giám sát, chủ động có các biện pháp quản lý, ngăn chặn từ trước các nguy cơ dẫn đến mất khả năng chi trả, thanh khoản của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Các quy định mới về giới hạn góp vốn, mua cổ phần trong Thông tư này có vẻ chặt chẽ hơn so với Thông tư 13, theo ông, mục đích của NHNN ở đây là như thế nào?
Theo tôi, mục đích của NHNN thông qua việc ban hành các quy định này không gì khác hơn là hạn chế đầu tư dàn trải ra ngoài ngành, hạn chế tối đa việc thao túng, kiểm soát của ngân hàng, công ty tài chính đối với các TCTD khác thông qua việc cùng với công ty con, công ty liên kết, công ty kiểm soát mua, nắm giữ cổ phiếu, góp vốn và mua cổ phần; tạo lập cơ sở pháp lý trong việc thực hiện cơ cấu lại hệ thống khi NHNN sử dụng và chỉ định ngân hàng, công ty tài chính tham gia xử lý các ngân hàng khác.
Bên cạnh đó, các quy định này cũng buộc các TCTD phải có kế hoạch cơ cấu lại và điều chỉnh hoạt động góp vốn, mua cổ phần theo quy định; hạn chế việc sở hữu chéo giữa các TCTD, giữa công ty kiểm soát và ngân hàng, công ty tài chính, giữa ngân hàng, công ty tài chính và với công ty con.
Tôi đánh giá cao các quy định này vì qua đó sẽ hạn chế được tình trạng sở hữu chéo, thâu tóm ngân hàng, minh bạch hóa việc sở hữu vốn tại các TCTD.
Có ý kiến cho rằng, quy định tổng dư nợ cấp tín dụng của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với tất cả khách hàng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu không được vượt quá 5% vốn điều lệ là một sự thắt chặt, có thể sẽ tác động tiêu cực đến sự thị trường chứng khoán. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Tôi không cho là như vậy. Trước đây, room của của các TCTD cho vay chứng khoán là không vượt quá 20% vốn điều lệ. Chứng khoán ở đây được hiểu là cả cổ phiếu, trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp và các giấy tờ có giá khác.
Theo khảo sát của chúng tôi, từ trước đến nay, các TCTD cũng chưa bao giờ cho vay đầu tư, kinh doanh cổ phiếu vượt mức 5% cả. Do đó, quy định mới đã định mức không vượt quá 5% đối với cổ phiếu không có gì là “thắt chặt” cả nếu không muốn nói là còn “rộng đường” hơn.
Chúng ta cũng biết, với vốn điều lệ tối thiểu của TCTD trong nước hiện nay là 3.000 tỷ đồng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 15 triệu USD, có những NHTM lớn vốn đã lên đến gần 30.000 tỷ đồng thì tỷ lệ 5% sẽ là một con số rất lớn.
Điều này không những không ảnh hưởng tiêu cực mà còn giúp đẩy một lượng vốn khá lớn thông qua thị trường chứng khoán để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và phục vụ tăng trưởng kinh tế.
Xin cảm ơn ông!

Theo dân trí