Thị trường bán lẻ Việt Nam đang trong giai đoạn tăng tốc chuẩn bị cho thời điểm thị trường mở cửa hoàn toàn vào đầu năm 2015.
Ảnh minh họa
Hệ thống Citimart vừa công bố hợp tác với Aeon – nhà bán lẻ hàng đầu Nhật Bản và chính thức đổi tên chuỗi hệ thống 30 siêu thị Citimart thành Aeon Citimart. Theo hợp đồng hợp tác kí kết, Aeon sẽ hỗ trợ Citimart thay đổi toàn bộ việc quản lý hệ thống mới, hỗ trợ bước đầu trong gắn kết thương hiệu, thay đổi phương pháp điều hành. Tại buổi lễ công bố, chủ tịch HĐQT Citimart, ông Lâm Minh Huy cho hay doanh nghiệp (DN) tận dụng lợi thế của hai bên để cùng phát triển, phấn đấu sẽ đạt 500 siêu thị vào năm 2025 trên toàn quốc. Tại các tỉnh phía Bắc, Aeon cũng sẽ hợp tác với hệ thống siêu thị Fivimart nhằm “bành trướng” tên tuổi và công việc làm ăn của đơn vị mình.
Trước đó, cuối năm 2013, Saigon Co.op đã “nhanh chân đón đầu” bằng việc chủ động hợp tác với NTUC FairPrice – Singapore để “lấn sân” với mô hình kinh doanh “đại siêu thị”. Phía đối tác Singapore sẽ cùng DN đầu tư mô hình kinh doanh chuỗi đại siêu thị và cửa hàng mang tên Co.op Xtra plus, vừa bán lẻ, vừa phân phối số lượng lớn bao gồm các dịch vụ gia tăng như rửa xe, khu vui chơi giải trí… Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) cũng đã lên kế hoạch hợp tác để tăng thị phần. Cùng với số lượng 33 cửa hàng hiện có, Satra đã lên phương án sáp nhập 105 cửa hàng Vissan vào Satrafoods, góp phần nâng số cửa hàng tiện lợi của thương hiệu này lên trên 130 điểm.
Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt như hiện nay, xu thế liên kết cùng phát triển là sự lựa chọn của nhiều DN nội lẫn ngoại. Đặc biệt với các DN trong nước, liên doanh là cơ hội để DN học hỏi kinh nghiệm quản lý, phát triển tốt hơn. Riêng với các DN ngoại, việc hợp tác với các DN bán lẻ của Việt Nam sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ xây dựng mạng lưới lưu thông, tiêu thụ hàng hóa, giảm vốn đầu tư ban đầu. Ngoài ra, thông qua liên kết cũng giúp các DN bán lẻ trong và ngoài nước tiêu thụ hàng hóa tốt hơn, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống cung ứng sản phẩm, lưu thông hàng hóa.
Thay đổi chiến lược
Ông Võ Hoàng Anh, GĐ Marketing Saigon Co.op cho biết, trước áp lực giữ vững thị phần, Saigon Co.op đã và đang xác lập lại chiến lược cho phù hợp. Trong đó, tập trung vào tái cấu trúc và phát triển những lĩnh vực thế mạnh. Theo đó, DN đang khẩn trương huy động tổng lực để mở rộng mạng lưới, tăng cường khả năng cạnh tranh. Ngoài việc phát triển nhanh hệ thống bán lẻ chủ lực, Saigon Co.op sẽ đa dạng mô hình bán lẻ gồm đại siêu thị, trung tâm thương mại, khu phức hợp nhằm phủ kín các phân khúc khách hàng và tạo thế cân bằng, phá vỡ độc quyền của khối ngoại.
“Bằng việc chủ động thực hiện những chiến lược đề ra, nâng tầm quản lý… từ 2015 việc đầu tư kinh doanh của chúng tôi sẽ theo hướng bền vững hơn. Bên cạnh việc mở rộng mạng lưới điểm bán, chúng tôi tận dụng triệt để lợi thế sân nhà, sự am hiểu thị trường nội địa để chủ động tạo chuỗi cung ứng bền vững. Song song đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn chiến lược phát triển về con người và chuyên nghiệp hóa các hoạt động logictis để nâng cao năng lực cạnh tranh”, ông Anh nói thêm.
Ông James Scott, TGĐ Big C Việt Nam cho hay, để phát triển thị phần DN sẽ không ngừng nỗ lực mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng cao, giá cả hợp lý và dịch vụ tốt nhất. Trong thời gian tới, DN sẽ bám sát chiến lược giá cạnh tranh. Bắt đầu từ ngày 14/11, nếu khách hàng nào mua được các mặt hàng thực phẩm mặn, thực phẩm ngọt, thức uống, hóa mỹ phẩm, bơ sữa, thịt nguội ở các siêu thị khác trong bán kính 7 km (tính từ siêu thị Big C) có giá rẻ hơn, DN sẽ tặng ngay sản phẩm đó miễn phí cho khách hàng.
Với chiến lược chiếm lĩnh thị trường bằng các mặt hàng giá hợp lý, hệ thống siêu thị Ocean Mart cũng đang phấn đấu sẽ trở thành một trong những nhà bán lẻ hàng đầu của Việt Nam trong tương lai gần.
Theo Báo Tin tức