Có nên bán thương hiệu DN?

Với hàng loạt thương vụ mua bán thương hiệu Việt thời gian vừa qua, nhiều chuyên gia nhận định: “Doanh nhân Việt đang ngày càng thể hiện một lối tư duy mới trong kinh doanh. Đó là, không nhất thiết phải ăn đời ở kiếp với một nghề, một thương hiệu hay một DN”.

Ảnh minh họa

Câu chuyện của Kinh Đô và của các thương hiệu Việt nổi tiếng khác cho thấy rằng thị trường đã hình thành rõ rệt hơn xu hướng làm ăn mới của nhiều DN hiện nay

Không cần đưa ra nhiều minh chứng thì ai cũng biết, sự thành công của các thương hiệu Việt được đổi bằng công sức, mồ hôi, nước mắt của những người sinh ra nó. Nhưng ngược lại, chính nó cũng đã mang đến “danh vọng” và “quyền lực” cho chính các “ông chủ” của mình.
Bán hay không ?
Như thương hiệu bánh kẹo Kinh Đô được xây dựng trong suốt 20 năm qua đã trở thành một ‘đế chế’ đem lại sự nổi tiếng cũng như tài sản kếch sù với vị thế Top 5 gia đình giàu nhất trên TTCK VN cho “ông chủ” của nó. Và người ta luôn nghĩ rằng, thương hiệu Kinh Đô sẽ không bao giờ rời khỏi vòng tay của những người đã làm ra nó. Tuy nhiên, đến thời điểm này mọi chuyện đã thay đổi khi thương hiệu này đã được bán đi và các “ông chủ” của nó cũng đã bày tỏ sự quan tâm sang các lĩnh vực tiềm năng khác như: dầu thực vật, cà phê, mì gói… Câu chuyện của Kinh Đô và của các thương hiệu Việt nổi tiếng khác cho thấy rằng thị trường đã hình thành rõ rệt hơn xu hướng làm ăn mới của nhiều DN hiện nay. Đó là, kinh doanh không cần phải bắt tay làm từ đầu mà có thể thông qua mua bán sáp nhập (M&A) để chiếm lĩnh thị trường.
Và đó cũng chính là lý do vì sao, hiện trên thị trường có những DN khi thương hiệu vừa mới nổi chưa được bao lâu thì đã nhận được lời chào mời mua lại với cái giá đầy “mơ ước”. Bản thân DN đứng trước sự lựa chọn đầy khó khăn là bán hay không bán? Đó chính là câu chuyện của một DN kinh doanh trong lĩnh vực ẩm thực mà chương trình Chìa khóa thành công – CEO lên sóng trên VTV1 ngày 23/11 vừa qua với chủ đề “Bài toán cạnh tranh – Sự lựa chọn khó khăn” đã đề cập đến.
Động lực phát triển
Theo đó, chương trình đã nói về câu chuyện của một DN kinh doanh trong lĩnh vực đồ ăn nhanh đang rất được giới trẻ ưa chuộng và tương lai phát triển đầy tiềm năng. Tuy nhiên, tại thời điểm này, khi trên thị trường bắt đầu có một số mô hình tương tự mới mở ra và có nguy cơ trở thành các đối thủ cạnh tranh trong tương lai gần. Cty bắt đầu cảm thấy lo lắng và đang tìm giải pháp trụ vững và duy trì vị thế. Vừa đúng lúc có một DN nước ngoài đến từ Hàn Quốc vào đặt vấn đề muốn mua lại toàn bộ cửa hàng, mô hình kinh doanh, công thức ẩm thực và cùng với thương hiệu DN với giá 130 tỷ đồng. Các cổ đông cho rằng đây là một số tiền rất hời. Vì vậy, ngay lập tức được các các cổ đông hưởng ứng và để nghị bán Cty cho đối tác.
Hãy cùng đón xem chương trình tiếp theo với chủ đề “Tài chính cuối năm – Bài toán dòng tiền” phát trên kênh VTV1 lúc 10h00 sáng Chủ Nhật ngày 30/11. Nếu các bạn muốn chia sẻ quan điểm, giải pháp với chương trình, truy cập vào địa chỉ: https://www.facebook.com/ceochiakhoathanhcongsme. Để xem lại chương trình, mời các bạn truy cập vào kênh CEOtvnext trên Youtube.
Nhưng CEO – cũng là một cổ đông của Cty lại cho rằng, không nên bán vì cửa hàng đang phát triển rất tốt, thương hiệu ngày một lớn dần. Để giúp DN tìm được lời giải cho vấn đề này, chương trình đã mời TS Trần Quốc Việt – Phó TGĐ Tập đoàn Kinh Đô và nữ doanh nhân, diễn viên điện ảnh Trương Ngọc Ánh – Chủ tịch HĐQT/CEO Cty TNHH Giải trí nghệ thuật liên quốc gia đến trường quay để tư vấn cho CEO của chương trình về vấn đề này.

Theo đó, TS Trần Quốc Việt cho rằng: “Mua bán sát nhập là một quy luật tất yếu và là động lực phát triển của nền kinh tế thị trường, ai phục vụ người tiêu dùng tốt hơn, đóng góp cho xã hội nhiều hơn hãy để họ làm. Việc bán đi một thương hiệu, một DN không ảnh hưởng gì đến đạo đức kinh doanh của một doanh nhân, DN cả”. Còn doanh nhân Trương Ngọc Ánh cho rằng “Nếu giá tốt và DN tự tin để bước sang lĩnh vực kinh doanh khác hoặc bắt tay vào làm lại từ đầu thì nên bán. Vì lúc đó, mình vừa có kinh nghiệm, có quy trình và giờ lại thêm có tiền nữa thì sẽ làm ra được những thương hiệu, những mô hình thành công hơn và không phải cạnh tranh quá gay gắt như hiện tại”.
Ngoài những ý kiến chia sẻ này, các chuyên gia đã có thêm rất nhiều ý kiến tư vấn đắt giá khác cho CEO trong việc đi tìm lời giải cho vấn đề “bán hay không bán thương hiệu”. Cuộc đối thoại của CEO và các chuyên gia đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của khán giả ngay khi chương trình lên sóng.

Theo dddn