5 lời khuyên giúp cải thiện khả năng giao tiếp

Cách thức chúng ta giao tiếp với thế giới bên ngoài là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới những gì ta trải nghiệm được trong cuộc sống. Nó ảnh hưởng tới số tiền chúng ta kiếm được, mọi mối quan hệ chúng ta có và các bước tiến chúng ta đạt được trong sự nghiệp của mình.


Ảnh minh họa

Cách thức chúng ta giao tiếp với thế giới bên ngoài là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới những gì ta trải nghiệm được trong cuộc sống. Nó ảnh hưởng tới số tiền chúng ta kiếm được, mọi mối quan hệ chúng ta có và các bước tiến chúng ta đạt được trong sự nghiệp của mình.

Thu nhập của bạn có thể sẽ vĩnh viễn giậm chân tại chỗ nếu như bạn không thể quảng cáo được sản phẩm của mình tới khách hàng, yêu cầu mức lương mình mong muốn trong cuộc phỏng vấn, hay đề nghị sếp tăng lương. Mặt khác, các mối quan hệ cũng sẽ trở nên gượng gạo, miễn cưỡng, và thiếu chiều sâu nếu chúng ta không thể tự tin tiếp cận những người mà mình mới gặp lần đầu, hoặc không có khả năng giải quyết các xung đột và thể hiện bản thân.

Tuy nhiên, liệu chúng ta có thường xuyên thực sự thực hành môn “nghệ thuật” này? Phần lớn thời gian, chúng ta thường tự ứng biến và phản ứng theo kiểu “gió chiều nào xoay chiều nấy”. Không may là, trong cuộc sống, hầu hết chúng ta sẽ đều dính phải một vài thói quen giao tiếp khó thấy nhưng cực kì có hại, và có thể phá hỏng các cuộc hội thoại giữa chúng ta và đối phương. Và vấn đề lớn nhất chính là, chúng ta lại cho rằng một số các thói quen trong số đó là những chiến thuật giao tiếp hữu ích.

Tựu chung, việc hiểu hành vi của con người có mối liên quan như thế nào đến thứ bạn đang kinh doanh sẽ đem tới cho bạn một lợi thế cạnh tranh vô cùng lớn. Dưới đây là 5 lời khuyên để giúp bạn có thể ngay lập tức kết nối với bất cứ ai bạn gặp:

1. BỘ NÃO CON NGƯỜI NẮM BẮT NHANH NHẠY NHỮNG DẤU HIỆU TINH TẾ

Khi ai đó đang nói chuyện, theo tiềm thức thì họ sẽ luôn để ý xem người khác có hứng thú với câu chuyện của họ hay không. Đó là một cơ chế tự bảo vệ để đảm bảo rằng chúng ta sẽ không bị xấu hổ hoặc tổn thương bởi những người xung quanh. Bộ não của chúng ta sẽ quan sát tất cả mọi thứ, từ ngôn ngữ cơ thể, cử chỉ khuôn mặt, cho tới các ngôn từ được sử dụng.

Khi lắng nghe người khác nói, bạn đừng nên nhìn đi chỗ khác quá vài giây. Vào lúc mà bạn bắt đầu nhìn chằm chằm vào người khác, màn hình TV hay liên tục ngó nghiêng xung quanh, thì cuộc hội thoại đã bị chính bạn làm hỏng. Việc mà bạn không nhìn vào người nói sẽ khiến cho người đó cảm thấy những gì họ nói là không quan trọng, và đó rất có thể sẽ là một cái tát vào sự tự tin của họ. Hãy chú ý cách bạn lắng nghe người khác. Bạn có thể hỏi bạn bè hay người thân trong gia đình xem bạn có làm bất cứ điều gì khiến họ bối rối trong lúc họ đang nói hay không.

2. ĐỪNG LIÊN HỆ MỌI THỨ VỚI BẢN THÂN MÌNH

Khi bạn đang ở trong một cuộc hội thoại và có ai đó đang nói, thì hãy để yên cho họ nói. Nhiều người cảm thấy rằng, việc gián đoạn câu chuyện của người khác và tự liên hệ câu chuyện đó với bản thân mình là một cách tốt để tăng sự kết nối giữa mọi người. Mặc dù nó sẽ tạo hiệu ứng tốt nếu thi thoảng mới xảy ra, tuy nhiên bạn sẽ khiến cho người khác cực kỳ bực bội và khó chịu nếu làm quá trớn.

Bạn không thể xây dựng niềm tin với người khác nếu như họ cảm thấy rằng, mỗi khi họ bắt đầu nói thì bạn lại nhảy vào chặn họng họ. Hành động này không chỉ làm gián đoạn sự tập trung và làm tụt hết cảm xúc của họ, mà còn khiến cho họ sẽ cảm thấy do dự, ngập ngừng mỗi khi muốn nói hay phát biểu trong tương lai.

3. ĐỪNG ĐỆM THEO LỜI NGƯỜI KHÁC NÓI VÔ TỘI VẠ

Tôi có một cậu bạn thân mà tôi rất thích buôn chuyện cùng. Tôi có thể gọi điện hoặc gặp mặt “tám” chuyện với cậu hàng giờ liền. Và mặc cho cậu ấy không hề có ý gì xấu, thì bất cứ khi cậu ấy không muốn nghe nữa, tôi đều hoàn toàn có thể nhận ra một  cách rất dễ dàng.

Cậu ấy có xu hướng sử dụng quá nhiều lời bình luận đệm thêm (filler) và không hề liên quan tới những gì tôi đang nói. Những lời bình luận chèn thêm là những thứ điển hình mà chúng ta hay nói để cho người khác biết rằng mình đang lắng nghe như: “ừm”, “ờ”, “ồ thế á”, “hay nhỉ”, v.v Tuy nhiên, khi bạn sử dụng chúng để giả vờ tỏ vẻ như là mình đang lắng nghe thì người nghe có thể nhận ra rất dễ dàng và khiến đối phương mất tập trung.

Do lúc nào cũng phải làm nhiều việc cùng lúc, nên chúng ta đã quen với việc đôi lúc buộc phải làm như vậy. Tuy nhiên, nếu như bạn không đặt mình vào vị trí đó, có lẽ bạn sẽ không bao giờ nhận ra được điều đó là thiếu tôn trọng và dễ bị người khác nhận ra như thế nào. Vì vậy, quy tắc chung là: Hãy luôn lắng nghe người khác, giống như cái cách mà bạn kỳ vọng người khác sẽ lắng nghe mình.

4. ĐỪNG CỐ TỎ RA LÀ MÌNH BIẾT TẤT CẢ MỌI THỨ

Khi nói chuyện với người khác, chúng ta thường muốn thể hiện ra rằng chúng ta là người có giáo dục và có hiểu biết. Một số người rất khó có thể thừa nhận rằng đây là lần đầu tiên họ được học điều gì đó mới mẻ. Nhiều nhà lãnh đạo cảm thấy rất khó khăn khi phải lắng nghe lời khuyên của người khác, bởi họ cho rằng, họ cần phải biết tất cả mọi thứ, và chính họ mới là người đưa ra chỉ dẫn cho những người còn lại.

Mặt khác, hầu hết nhân viên thì lại đều háo hức chứng tỏ bản thân, vì vậy họ cố gắng không để lộ ra bất kỳ điểm yếu nào. Tuy nhiên, tất cả chúng ta hẳn đều đã từng ở trong một cuộc hội thoại mà chúng ta cho rằng mình đang nêu ra một ý kiến rất quan trọng, nhưng lại chẳng nhận được sự thừa nhận từ những người khác.

Điều quan trọng không phải là chức vị hay kinh nghiệm của bạn, nếu như bạn muốn kết nối với ai đó hoặc muốn tác động tới họ, bạn phải làm cho họ cảm thấy họ được đánh giá cao. Trong cuốn “How to Win Friends and Influence People” (Xuất bản ở Việt Nam với tên “Đắc nhân tâm”), quy tắc thứ 9 của Dale Carnegie là: “Thành thật khiến cho đối phương thấy sự quan trọng của họ”. Khi bạn cho ai đó biết rằng họ đang đem tới giá trị cho mọi người, điều đó làm cho họ cảm thấy thoải mái và cởi mở hơn. Vì vậy, bạn phải nhận thức được cái tôi của mình, và hãy cố đừng để nó kiểm soát hành vi của mình.

5. TRÙ BỊ TRƯỚC MỌI VIỆC

Nếu bạn là một người hay căng thẳng hoặc ít phát biểu trong lúc đàm luận với người khác, hãy nghĩ sẵn một vài câu hỏi. Việc này không phải nhằm “tự động hóa” sự tương tác của bạn và biến bạn thành người máy, mà mục đích của nó là làm cho tâm trí bạn trở nên thanh thản, dễ chịu hơn, nhờ đó bạn có thể bớt lo lắng, trở nên tự tin và tận hưởng cuộc trò chuyện một cách tự nhiên.

Bạn có thể thực hiện hoàn hảo bất kỳ cuộc trò chuyện nào bằng cách hỏi đúng câu hỏi. Vì vậy, hãy nghĩ ra 3 câu hỏi mở, kích thích tư duy của mọi người trong mọi tình huống có thể xảy ra. Bạn có thể chia các tình huống tương tác tiềm năng thành các nhóm:

A. Một sự kiện networking hoặc cơ hội kinh doanh tiềm năng

B. Gặp gỡ ai đó lần đầu tại một sự kiện xã hội

C. Tình cờ gặp 1 người bạn

Điểm mấu chốt là phải hỏi các câu hỏi không khiến cho người khác khó chịu mà lại làm cho họ phải ngẫm lại và suy nghĩ xem họ nên đáp lại như thế nào. Điều tuyệt vời không chỉ nằm ở chỗ cuộc trò chuyện của bạn sẽ trở nên thú vị hơn – mà còn là bởi vì người khác sẽ khó lòng mà quên được bạn.

Theo Saga