Biết chấp nhận thất bại là điều quan trọng trong khởi nghiệp bởi thành công sẽ khó chạm tới nếu thiếu niềm tin, khát vọng, bản lĩnh và tri thức.
“Khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh ở lớp người trẻ; hướng tới xây dựng những thành phố khởi nghiệp và một quốc gia khởi nghiệp” đang là điều thôi thúc và là nỗi trăn trở của lãnh đạo các tỉnh, thành phố và nhiều địa phương trên cả nước.
Là một trong những địa phương có diện tích và dân số gần như lớn nhất và nhiều nhất khu vực miền Bắc, song số lượng doanh nghiệp thuộc tỉnh Thanh Hóa nói chung và thành phố Thanh Hóa nói riêng còn rất khiêm tốn. Hơn 99% là doanh nghiệp quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ.
Bình luận về các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển đội ngũ doanh nghiệp hiện nay, ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho rằng, thực tế, các doanh nghiệp vẫn đang phải tự “bơi” là chính.
Với những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh; áp lực cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là khi hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu và rộng như hiện nay thì sự tồn tại, phát triển của doanh nghiệp là vô cùng bấp bênh.
Dù đã có một số cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về tín dụng, về đất đai, về thủ tục hành chính…. song vẫn chưa đủ để giảm tải những nỗi lo và gánh nặng của doanh nghiệp. Thực tế đã có nhiều doanh nghiệp phải chuyển hướng kinh doanh, phải giải thể hoặc thậm chí tuyên bố phá sản.
“Phải chăng, áp lực đó cũng tác động ít nhiều tới tâm lý khởi sự kinh doanh ở lớp trẻ, cũng như làm lung lay ý chí của không ít doanh nghiệp, doanh nhân mới nhập cuộc, thử sức?”, ông Đệ bày tỏ niềm trăn trở.
Khá nhiều người dân Thanh Hóa chia sẻ không nắm được thông tin về hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Ngay tại các trường đại học, trường dạy nghề cũng chưa có những chương trình hướng nghiệp, chương trình đào tạo để truyền thụ kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên.
Chính quyền địa phương, hiệp hội doanh nghiệp cũng chưa có những hoạt động, chương trình tương tác để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, doanh nhân và tầng lớp thanh niên cùng chia sẻ kinh nghiệm, khuyến khích ý tưởng khởi nghiệp, khơi gợi tinh thần làm chủ, vươn lên làm giàu chính đáng.
Sự trợ giúp của lớp người đi trước luôn là hành trang cần thiết để thế hệ trẻ theo sau, vượt qua những lúng túng, trở ngại để tự tin dấn bước, ông Hoàng Đình Trung, một doanh nghiệp ở Thanh Hóa nhận định.
Những băn khoăn nói trên cũng từng được ông Võ Duy Khương, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng nhiều lần đặt vấn đề với báo chí rằng, mỗi năm, không chỉ ở Đà Nẵng mà trên cả nước có biết bao nhiêu sinh viên ra trường.
Nhưng bao nhiêu phần trăm trong số đó có việc làm ổn định hay không? Hay bao nhiêu sinh viên trong số đó có ý nghĩ và tư duy sẽ làm chủ, thay vì đi làm thuê?
Thực tế đã chứng minh điều băn khoăn này của vị lãnh đạo một trong những thành phố đáng sống nhất Việt Nam.
Qua tìm hiểu, ông Nguyễn Diễn, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – chi nhánh Đà Nẵng, kiêm Giảng viên cao cấp thuộc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết, kết quả khảo sát nhiều nhóm và lớp sinh viên sau đào tạo cho thấy hầu hết các em đều bày tỏ nguyện vọng tìm kiếm việc làm tại những cơ quan, đơn vị của nhà nước và của tư nhân.
Tỷ lệ sinh viên mong muốn được làm chủ hay có ý chí và đam mê tự làm giàu rất thấp. Khu vực miền Bắc gần như không có. Khu vực miền Trung và miền Nam, chỉ có khoảng 10-11% sinh viên tìm kiếm cơ hội tự lập nghiệp sau khi ra trường.
Điều này phản ánh tính thụ động, thái độ sống thiếu tự lập của thế hệ trẻ; thực trạng yếu về lượng và kém về chất của đội ngũ doanh nhân hiện nay, cũng như sự quan tâm, đầu tư của nhà nước, của địa phương và các cấp, ngành chưa xứng đáng và chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn đặt ra.
Cho dù, thời gian qua đã có không ít chương trình, dự án, các khóa học về khởi sự doanh nghiệp được triển khai, nhằm khơi dậy động lực và tiếp lửa cho tinh thần khởi nghiệp ở lớp trẻ, ông Diễn nhấn mạnh.
Mặc dù chưa nhiều, song thành phố Đà Nẵng được ghi nhận là đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy các chương trình, dự án liên quan tới khởi nghiệp.
Đơn cử như năm 2015 phát động Chương trình Khởi nghiệp thành phố đến năm 2020, thành lập Quỹ khởi nghiệp thành phố và khai trương Vườn ươm doanh nghiệp thành phố, cùng nhiều cuộc thi khởi nghiệp làm doanh nhân với sự tham gia của tầng lớp thanh niên, học sinh, sinh viên thuộc các trường đại học, các câu lạc bộ, các hiệp hội…
Để gây dựng những “hạt giống doanh nhân”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, với sự tiếp sức của Quỹ khởi nghiệp, hoạt động như một quỹ đầu tư mạo hiểm, bằng hình thức cho vay tín chấp, nhiều ý tưởng, dự án khởi nghiệp đã được xem xét, cấp vốn và triển khai.
Tuy nhiên, không để nỗi lo thất bại cản bước, ông Khương cho rằng, điều quan trọng trong khởi nghiệp là văn hóa biết chấp nhận thất bại. Từ ý tưởng cho đến sản phẩm là một câu chuyện dài mà sẽ không chạm được tới thành công nếu thiếu niềm tin, khát vọng, bản lĩnh và tri thức.
Hành trình của một quốc gia khởi nghiệp bắt đầu từ sự thay đổi tư duy của mỗi cá nhân. Đà Nẵng, đang có những khởi sự đúng khi thực hiện điều này và sau đó, chắc chắn sẽ là nhiều địa phương khác./.
Theo bnews