Sức mạnh dư luận nhìn từ vụ Tân Đức

Như DĐDN đã thông tin, câu chuyện chủ đầu tư khu công nghiệp (KCN) Tân Đức cắt điện nước, dựng rào chắn trước cổng Cty Tango Candy – một doanh nghiệp Nhật Bản thuê đất đầu tư tại khu do chây ì đóng phí duy tu cơ sở hạ tầng suốt 3 năm đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.


Công ty Tango Candy bị “khủng bố” hàng chục tấn đất sét.

Dưới góc nhìn của một người có thâm niên làm tư vấn cho DN, tôi nhận thấy, cách hành xử của Cty Tân Đức chưa đúng, làm tổn hại tới hình ảnh thu hút đầu tư nước ngoài của VN. Đúng ra, Tân Đức nên bình tĩnh để có cách xử lý khéo léo hơn, thay vì nóng vội với những hành động đi trái lại xu thế hội nhập và kêu gọi đầu tư.

Hành xử thiếu phù hợp

Xét ở góc độ DN, chủ đầu tư của một KCN hành động của Cty Tân Đức là không phù hợp. Nếu xét trên yếu tố với DN nước ngoài thì lại càng không phù hợp thêm nữa bởi vì: Một là, ở góc độ là DN vừa và lớn phải cố gắng làm việc theo pháp luật, phải có niềm tin vào tòa án. Với sự việc trên, trước hết các bên cần trao đổi, thuyết phục; thuyết phục không được thì nhờ tới tòa án. Trong thực tế, có rất nhiều DN vì cái đúng của mình nhưng nôn nóng, hành xử sai, dễ dẫn tới vòng lao lý.

Hai là, đối với DN là chủ đầu tư một KCN, không bao giờ được làm tổn hại hình ảnh của mình.

Ba là, người thuê đất là một DN nước ngoài, DN Nhật Bản. Chúng ta cũng biết, khi một DN Nhật Bản qua VN đầu tư thì họ đã có đầy đủ tư cách pháp lý cũng như tính chuẩn mực nhất định trong làm ăn. Cho nên khi dùng những biện pháp không đúng pháp luật thì DN cần phải hết sức cân nhắc. Hành động của Tân Đức có thể làm tổn hại tới việc thu hút đầu tư của tỉnh nơi chủ đầu tư thuê đất làm KCN, thậm chí tổn hại đến hình ảnh, thương hiệu quốc gia.

Đó chính là ba nguyên nhân cho thấy cách hành xử của chủ đầu tư KCN Tân Đức hành động chưa hợp lý. Rõ ràng, Tân Đức không đặt mình trong bối cảnh của nền kinh tế VN, chiến lược phát triển kinh tế VN. Đôi khi, một hành động rất nhỏ nhưng có thể gây ra một hậu quả xấu giống như một đốm lửa nhỏ vẫn có thể bùng lên thành đám cháy lớn.

Nếu cho là mình đúng thì Tân Đức hãy đưa ra tòa, không nên vì vì nôn nóng mà hành xử trái pháp luật

Biện pháp linh hoạt

Nhiều quan điểm cho rằng nguyên nhân chính ở việc chây ỳ đóng phí duy tu của DN Nhật Bản mới dẫn tới hành động cắt điện, nước, lập rào chắn của Cty Tân Đức. Nhưng hãy nhớ rằng, mọi DN đều có lý của riêng mình và tất cả cần phải được giải quyết ở tòa án.

Trở lại câu chuyện ở trên, nếu cho là mình đúng thì Tân Đức hãy đưa ra tòa, không nên vì vì nôn nóng mà hành xử trái pháp luật như vậy.

Hơn nữa, Tân Đức vẫn có nhiều biện pháp mềm để xử lý vấn đề chây ì của DN Nhật Bản. Cụ thể, sau khi có phán quyết của tòa án, nếu phán quyết ấy khẳng định việc thu phí duy tu là đúng thì Tân Đức hãy thông báo cho Cty Tango biết: “Tòa án đã phán quyết, nhưng Tango không có thiện chí trả nợ. Do đó, chúng tôi sẽ thực hiện những biện pháp như thông báo cho các đối tác của công ty biết rằng công ty làm việc không đàng hoàng”. Điều này sẽ khiến ông chủ Cty Tango phải cân nhắc việc có trả tiền hay không bởi vì nếu không trả mà thư này đến tay các bạn hàng, đối tác thì chắc chắn DN này cũng sẽ còn khó khăn hơn với việc trả tiền. Việc đó hoàn toàn có thể làm được.

Những ông chủ KCN là người hiểu biết nhất về DN thuê đất trong khu mình quản lý. Vì thế, chủ đầu tư cần là người thực thi những giải pháp cứng và mềm theo pháp luật. Có nhiều giải pháp để làm. Còn nếu chỉ quen với cách hành xử: Ta thấy đúng thì làm, không sợ ai hết thì không khác gì hành xử của một người bị người khác thiếu nợ không trả, tới nhà bắt trói họ lại, đòi trả tiền.

Các DN nước ngoài khi qua hợp tác tại VN, trong hợp đồng hợp tác của họ luôn luôn ghi dòng chữ “trọng tài kinh tế”. Thậm chí, người ta luôn lo lắng về trọng tài kinh tế VN nên thường thuê trọng tài kinh tế Singapore. Tại sao trọng tài kinh tế VN đủ trình độ, bằng cấp người ta không mời mà lại mời trọng tài từ Singapore? Bởi vì, đôi khi họ sợ “quan điểm du di, không tuân thủ theo pháp luật” của người VN. Cũng giống như trường hợp của Tân Đức, nhiều người sẽ có quan điểm du di rằng: “Tân Đức đúng, tại DN nhật bản trây ỳ nên mới thế”. Quan điểm du di rất nguy hiểm và đối với Nhà nước, không chấp nhận quan điểm này. Chỉ cần một lần chấp nhận du di thì người thứ hai, thứ ba cũng làm theo, cuối cùng xã hội không còn pháp luật.

Trên thế giới, không phải lúc nào tòa án xử xong là các DN cũng thiện chí thi hành nhưng lúc đó người ta có quyền dùng quyền lực mềm (quyền lực thông tin) thì phần thiệt hại đối với người sai phạm còn lớn hơn gấp nhiều lần so với vi phạm ban đầu.
Sau vụ việc này, hi vọng chủ đầu tư Tân Đức hãy tự rút ra bài học cho mình. Hãy là một doanh nhân của một nước VN đổi mới, phát triển, đang bước vào hội nhập mạnh mẽ và cạnh tranh môi trường thu hút đầu tư với các nước trong khu vực.

Theo dddn