Những năm gần đây, Internet of Things (IoT) đã trở thành một chủ đề nóng. Xu hướng kết nối mọi thứ với internet này có thể đem lại một tương lai rất hứa hẹn cho thị trường tiêu dùng, mang tới cho những nhà sản xuất thêm nhiều cách tương tác với khách hàng.
Đó là nhận định của ông Gary Shapiro, Chủ tịch và Giám đốc Điều hành, Hiệp hội Công nghệ Tiêu dùng (CTA), đơn vị tổ chức triển lãm công nghệ CES. Theo ông Shapiro, người dùng ngày nay mong đợi nhiều tương tác hơn với các thương hiệu ngay cả sau quá trình giao dịch mua bán, và IoT hay Internet cho vạn vật có thể đóng góp một vai trò quan trọng.
Lấy thương hiệu thời trang Ralph Lauren làm ví dụ. Các cửa hàng của Ralph Lauren đã trang bị những chiếc gương thông minh của Oak Labs trong phòng thử đồ, giúp ngay lập tức nhận dạng những sản phẩm được mang vào phòng thử, bao gồm kích thước và màu sắc. Những chiếc gương thông minh này sẽ giúp khách hàng thử những màu sắc khác nhau của sản phẩm mà không cần ra khỏi phòng thử đồ, và thậm chí còn có thể điều chỉnh ánh sáng trong phòng.
Theo một thống kê, nếu như người mua đồ không tìm thấy màu và cỡ của món đồ mình thích, có tới 65% khả năng họ sẽ bỏ đi mà không mua một món đồ nào khác. Những chiếc gương thông minh nhờ đó có thể làm tăng đáng kể doanh thu cho Ralph Lauren. Công nghệ này còn lưu và nhắn thông tin sản phẩm đã thử cho khách hàng để họ có thể xem lại chúng sau khi đã rời cửa hàng.
Một ví dụ khác, công ty khởi nghiệp của Hàn Quốc – WAY đang nghiên cứu một thiết bị cho phép người dùng nhận phản hồi tức thời về tình trạng da, cũng như cung cấp những mẹo làm đẹp cho từng cá nhân, giúp người dùng có thể chăm sóc da tốt hơn. Thiết bị này ghi nhận tình trạng da của người dùng từ những số liệu thu thập được, và đưa ra những gợi ý sản phẩm tuỳ vào từng tình trạng da.
Tất nhiên việc áp dụng những công nghệ tân tiến này thường yêu cầu một khoản vốn đầu tư rất lớn, có thể kéo dài thời gian ra mắt của sản phẩm.
Vào năm 2013, Disney World bắt đầu sử dụng ‘MagicBands’ tại khu nghỉ dưỡng ở Florida. Những chiếc vòng sử dụng bộ cảm ứng RFID này cho phép khách tham quan đặt trước chỗ cho các trò chơi, bữa ăn cũng như các hoạt động khác. Nhưng với công viên Disney tại Thượng Hải, dự kiến sẽ chính thức ra mắt vào cuối năm nay, Disney đã quyết định loại bỏ hoàn toàn ‘MagicBands’, thay vào đó là việc sử dụng ứng dụng. Tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ hiện nay đồng nghĩa với việc khách tham quan có thể làm nhiều việc hơn trên smartphone; đồng thời, cũng giảm đáng kể chi phí cho Disney.
Thách thức lớn nhất trong việc áp dụng IoT là tìm ra cách khai thác triệt để lượng dữ liệu khổng lồ chúng tạo ra hàng ngày, không chỉ từ thiết bị mà còn từ các mạng xã hội nhằm đảm bảo tương tác, giao tiếp tốt nhất với khách hàng.
Các công ty cũng cần nhớ là khách hàng muốn những gì tự nhiên nhất có thể. Sự phát triển và đi xuống của Google Glass đã chỉ ra rằng khách hàng không thích những công nghệ khiến họ giống như người máy. Thay vào đó, họ muốn những sản phẩm nhỏ và có tính thời trang. Tại triển lãm công nghệ CES Asia sắp tới đây, với chủ đề Internet of Things, khách tham quan có thể kì vọng được chứng kiến những công nghệ trở nên gần như vô hình.
Theo Vnreview