Tuy nhiên, theo Len Schlesinger – giáo sư của Đại học Harvard Business School, không phải startup nào cũng đạt được thành công và bạn nên thận trọng trước khi bước chân vào vùng đất tiềm năng này.
“Khi quá hào hứng với công việc, bạn dễ có tâm lý phóng đại sức hấp dẫn và đánh giá thấp nguy cơ của nó. Bạn nên cân nhắc niềm đam mê, cảm xúc hiện tại với lượng thời gian, tiền bạc sắp bỏ ra và danh tiếng mà bạn kỳ vọng có được từ công việc”, ông cho biết.
Dưới đây là 6 điều bạn nên suy nghĩ cẩn thận trước khi gia nhập công ty startup.
1. Nguyện vọng thực sự của bản thân
Dù bạn có nhiều lý do hay chưa biết vì sao muốn làm việc tại công ty startup thì vẫn nên cân nhắc kỹ việc này. Hãy tìm hiểu các cơ hội mà công việc đó mang lại, lắng nghe nguyện vọng thực sự của bản thân, thậm chí làm một vài cuộc khảo sát cần thiết với người thân, bạn bè để biết liệu công việc đó có phù hợp với bản thân hay không.
Daniel Gulati – đồng tác giả sách Passion & Purpose khuyên bạn nên xem xét như dưới góc độ nhà đầu tư. Nếu bạn muốn làm việc tại một startup mới thành lập, bạn là nhà đầu tư thiên thần trong giai đoạn hạt giống; còn nếu bạn muốn tham gia một công ty startup đang trên đà phát triển, bạn là nhà đầu tư tham gia vào giai đoạn cuối.
Dù mỗi kiểu nhà đầu tư có mục đích đầu tư khác nhau, điều quan trọng là hành động đầu tư này của bạn phải bắt nguồn từ sở thích cá nhân. Chính điều đó mới giúp bạn duy trì công việc lâu dài.
2. Xác định động lực làm việc
Bước đầu tiên trong quá trình ra quyết định là bạn phải thực sự hiểu mình muốn gì. Tại sao bạn muốn tham gia công ty startup trong giai đoạn đó? Để cải thiện năng lực quản lý, nâng cao kỹ năng giải quyết vấn đề, hay mong muốn tạo ra những điều có ích phục vụ cộng đồng?
Việc thử nghiệm một lĩnh vực mới xuất phát từ mong muốn của bản thân mà không dựa trên kinh nghiệm làm việc sẽ giúp bạn có được động lực mạnh mẽ. Đồng thời, bạn nên cân nhắc những giá trị học hỏi đi kèm mà công việc này mang lại – những thứ giúp bạn trở thành nhân viên sáng giá hay nâng cao vị thế của mình trong đội ngũ công ty.
Theo Gulati, những nhân viên giỏi trong các công ty startup thường có xu hướng tò mò về tất cả mọi thứ, vì công việc của họ hoàn toàn có thể bị thay thế bởi bất kỳ ai đó trong tương lai. Nhớ rằng, bạn sẽ không làm mãi một công việc lúc đầu, đặc biệt tại những startup có tốc độ tăng trưởng chóng mặt. Hãy nghĩ đến trường hợp công việc của bạn có thể chuyển từ phòng kinh doanh sản phẩm sang bộ phận kỹ thuật.
3. Tìm hiểu văn hóa công ty
Dù làm ở công ty nào, điều quan trọng là bạn phải yêu mến đồng nghiệp và cảm thấy phù hợp với văn hóa tổ chức ở nơi đó. Điều này đặc biệt đúng đối với những tổ chức có cấu trúc nhỏ gọn, linh động như startup.
Khi thảo luận vấn đề này với ban tuyển dụng công ty, bạn phải hình dung được đời sống công việc tương lai và không khí làm việc nơi đó ra sao. Bạn cần cân nhắc xem bản thân có phù hợp với văn hóa và cách ứng xử nơi đó, tìm hiểu động lực xây dựng và phát triển công ty, nói chuyện với những đồng nghiệp tương lai…
4. Tìm hiểu tình hình tài chính của công ty
Doanh thu, lợi nhuận, đối thủ cạnh tranh… là những thông tin bạn cần biết trước khi ứng tuyển vào các công ty lớn, và điều này cũng không ngoại lệ đối với công ty startup.
Có thể những dữ liệu trên không được công khai rộng rãi nên bạn hãy hỏi trực tiếp nhà sáng lập công ty. Hãy hỏi họ, nguồn vốn hiện tại của công ty đến từ đâu, tốc độ xài tiền đầu tư, doanh thu và lợi nhuận dự kiến… Mục đích của việc này nhằm xác định xem công ty có đang trên đà tăng trưởng hay không. Điều quan trọng là bạn phải nhận thức rõ về việc đánh đổi giữa những thứ đang có với công việc sắp tới.
Nếu công việc này làm giảm mức thu nhập hàng tháng nhưng bù lại bạn có thể trở thành cổ đông của công ty thì nên tính toán tốc độ sinh lời của số cổ phần trong khoảng thời gian cụ thể.
5. Xác định động cơ làm việc của bạn thân
Quyết định làm việc tại công ty startup không chỉ thay đổi công việc của bạn mà còn tác động tới cuộc sống hằng ngày. Chắc chắn sẽ có những chuỗi ngày dài căng thẳng nên hãy bàn bạc việc này cẩn thận với người thân, gia đình, bạn bè, vì ngoài thời gian ở công ty, bạn còn là một người cha/mẹ, vợ/chồng, bạn…
Bạn không phải là một nhà sáng lập nên mức độ “hy sinh” cho công việc giữa bạn với họ sẽ khác nhau. Tuy nhiên, vẫn có những ràng buộc liên quan trong đó.
Nếu bạn còn trẻ, và chưa có gia đình hay những nghĩa vụ ràng buộc khác thì mức độ rủi ro sẽ thấp hơn. Mặt khác, nếu bạn đã lớn tuổi và phải quan tâm nhiều thứ, bao gồm cả vấn đề tài chính, thì bạn nên hỏi ý kiến những người thân về việc này. Liệu bạn có thể làm việc nếu số cổ phần của bạn trong công ty không đáng là bao và mức lương khởi điểm không đủ nuôi sống gia đình trong thời gian tới?
Công ty startup là nơi tràn đầy năng lượng, niềm vui nhưng cũng không ít áp lực và rủi ro trong công việc. Điều quan trọng là bạn phải cảm thấy hào hứng khi được làm việc tại đó.
6. Kiên trì
Việc quyết định không tham gia một công ty startup không có nghĩa bạn không phù hợp với loại hình công ty này. Luôn có một công ty startup phù hợp cho một hoặc những ai đó. Cho dù hồ sơ xin việc của bạn không có gì nổi bật, thiếu kinh nghiệm hay tính cách hướng nội, thì vẫn luôn có một nơi làm việc phù hợp với bạn.
Bạn có thể sử dụng các công cụ như AngelList, CB Insights, CrunchBase, hay PitchBook… để tìm kiếm và xác định những công ty startup phù hợp trong từng ngành nghề.
Theo Harvard Business Review/DNSGCT