Thiếu “Tinh thần người sáng lập” là nguyên nhân sự sụp đổ của Yahoo

Marissa Mayer không phải là người duy nhất chịu trách nhiệm cho cái kết thảm hại của Yahoo thời điểm hiện tại.


Ảnh minh họa

Yahoo – đại gia công nghệ một thời vừa chứng kiến đoạn kết buồn bã hơn bao giờ hết: Sau 5 tháng rao bán mình cuối cùng họ đã được Verizon thâu tóm với giá 4,83 tỉ USD.

CEO của Yahoo hiện tại là Marissa Mayer sẽ hỗ trợ hoàn tất thương vụ này cho đến khi thủ tục hoàn thành và sau đó bà sẽ rời công ty với khoản tiền hậu hĩnh trị giá 50 triệu USD gồm cả tiền mặt và cổ phiếu.

Hơn ai hết, lúc này Mayer chính là tâm điểm của mọi chỉ trích và bị xem là “tội đồ” kết thúc số phận của Yahoo.

Marissa Mayer không hoàn toàn là tội đồ gây ra kết thúc buồn bã cho Yahoo như hiện tại:

Bà đã loay hoay trong suốt 4 năm với hàng loạt kế hoạch thất bại để vực dậy tập đoàn này.

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng lỗi không phải hoàn toàn thuộc về Mayer, ít nhất một phần nào đó là do 2 nhà sáng lập gồm Jerrry Yang và David Filo.

Câu chuyện những ngày đầu khởi nghiệp của Yahoo đến nay đã trở thành huyền thoại tại thung lũng Silicon.

Hai cậu sinh viên tốt nghiệp từ đại học Stanford là Yang và Filo tạo ra cuốn “Cẩm nang hướng dẫn của Jerry đối với Mạng toàn cầu” vào năm 1994. Đây là tập hợp danh sách những đường link Internet được lập ra với mục đích giúp bạn bè của 2 nhà sáng lập dễ dàng tìm ra các địa chỉ website họ thích một cách thuận tiện.

Một vài năm sau đó, khi Sequoia Capital đầu tư vào công ty, họ đã chọn cựu CEO của Motorola là Tim Kooogle làm CEO.

Thời điểm này, đó rõ ràng là chiến lược khôn ngoan. Chọn một lãnh đạo giàu kinh nghiệm để giúp công ty sớm IPO. Lúc này dù có CEO mới nhưng 2 nhà sáng lập vẫn có mối quan hệ mật thiết tới những hoạt động kinh doanh của công ty.

Filo là giám đốc phụ trách công nghệ – người viết phiên bản tìm kiếm Yahoo đầu tiên và cũng là người đưa ra hàng loạt quyết định về cấu trúc công nghệ của công ty thủa sơ khai.

Trong khi đó Yang lại là người đưa ra những quyết định mang tính chiến lược và quan trọng cho công ty. Cũng chính nhà sáng lập Yang là người đưa ra quyết định thay thế vị trí CEO của Koogle bằng Terry Semel – một CEO lâu năm của tập đoàn truyền thông Warner Brothers sau giai đoạn bong bóng dot-com năm 2000.

Điều đáng nói là Semel đến với Yahoo và mang theo một đội ngũ nhân viên chủ chốt của ông này ở công ty truyền thông Warner Brothers gồm cả những cái tên đình đám tại thung lũng Silicon thời điểm hiện tại như Jeff Weiner – CEO của LinkedIn và Dan Rosensweig – CEO của Chegg.

Có thể nói đây chính là cội nguồn gây nên chuỗi những sai lầm Yahoo gặp phải sau này.

Lúc này người ta không thể phân biệt được liệu đây là công ty công nghệ hay công ty truyền thông mặc dù họ đang nắm trong tay phần “màu mỡ” nhất trong thế giới web.

Trong khi đó, con đường dẫn tới thành công của những công ty công nghệ luôn đầy rẫy chông gai và là cuộc chiến không khoan nhượng. Chính vì vậy, tinh thần của các nhà sáng lập luôn là yếu tố quan trọng, họ phải là người dám đưa ra những lựa chọn khó khăn và đánh cược mọi thứ.

Trong suốt những năm Yahoo ngụp lặn trong mảng kinh doanh truyền thông, CEO Jeff Bezos của Amazon vẫn miệt mài với mảng kinh doanh bán lẻ trực tuyến không hề mang lại lợi nhuận, chịu đựng giá cổ phiếu bị ảnh hưởng một thời gian, cắt giảm nhân công để rồi sau đó tiếp tục tiến quân vào một lĩnh vực khác là mảng điện toán đám mây có tên gọi AWS và đạt được thành quả vang dội.

Tại Google, hai nhà sáng lập Larry Page và Sergey Brin đã đề cử Eric Schimidt làm CEO nhưng họ vẫn nắm quyền điều hành chủ chốt, đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra lợi nhuận khủng khiếp của mảng kinh doanh quảng cáo.

Trong khi đó, Yahoo thì làm ngược lại. Hai nhà sáng lập dần lơ là với việc điều hành kinh doanh của công ty.

Ngoài ra năm 2007, Yang đã lấy lại quyền điều hành công ty từ Semel tuy nhiên anh lại không dám đưa ra những quyết định khó khăn. Đáng lý ra trong hoàn cảnh như vậy, Yang nên sa thải bớt nhân viên và tiếp tục tập trung sâu hơn vào mảng công nghệ và đón đầu cuộc cách mạng điện thoại thông minh.

Thêm vào đó, Yang còn mắc một sai lầm khủng khiếp khi anh từ chối một trong những món hời lớn nhất đối với Yahoo là được Microsoft mua lại với giá 45 tỉ USD vào năm 2008 – một trong những nỗ lực để tập đoàn này cạnh tranh với Google.

Hay quay lại những năm 2000, sai lầm lớn nhất của Yahoo là thiếu nhiệt huyết, ý chí. Trong thời điểm Yahoo gần đạt được thỏa thuận mua lại Facebook vào năm 2006, Semel bất ngờ hạ thấp giá mua từ 1 tỉ USD xuống còn 850 triệu USD sau khi báo cáo kết quả kinh doanh gây thất vọng được công bố. Cuối cùng thương vụ mua bán này đã không được tiến hành và đây là một sai lầm lớn với Yahoo.

Dĩ nhiên những thương vụ mua bán dạng này nhìn qua có vẻ rất rủi ro và lãng phí mà các nhà đầu tư thường không đồng tình. Tuy nhiên, đó lại là điểm trọng yếu. Các công ty web cần sức mạnh đặc biệt của các nhà sáng lập để làm và dám làm những điều không bình thường.

Larry Page đã liều lĩnh để Google mua YouTube – website video thua lỗ triền miên vào năm 2006. Mark Zuckerberg thì đặt cược tất cả vào Instagram khi mua lại công ty này vào năm 2012. Đây là cách các công ty công nghệ tồn tại – họ dám chấp nhận rủi ro.

Dường như kết thúc buồn bã hiện tại của Yahoo là bởi thiếu vắng tinh thần dám chấp nhận rủi ro, quyết liệt của 2 nhà sáng lập?

Theo Trí Thức Trẻ/Bloomberg