Gần đây, tôi đã hẹn ăn trưa với một trong 4 nhà angel investor của mình. Đó là Peter, một doanh nhân rất giỏi đến từ Anh quốc. Ông đã tham gia xây dựng rất nhiều doanh nghiệp và hiện đang sống trong một biệt thự sang trọng gần cảng biển, một gia đinh hạnh phúc và nụ cười tươi hết cỡ.
Nói chung thì, Peter có mọi điều mà tôi mong ước, cả trong kinh doanh lẫn cuộc sống, và trong bữa ăn trưa, tôi rất muốn được học hỏi thêm từ ông. Và bên cạnh việc cập nhật tình hình hoạt động của công ty, tôi không quên thảo luận với ông về triết lý cuộc sống của ông, với mong muốn được truyền một chút cảm hứng. Thú thực, tôi đã kỳ vọng ít nhất Peter cũng sẽ bảo tôi những câu như “đừng bao giờ đầu hàng” hay vài câu slogan kiểu đấy.
Nhưng những gì Peter nói lại làm tôi ngạc nhiên.
“Bí mật thành công trong kinh doanh và cuộc sống đó là đừng bao giờ, đừng bao giờ nói dối”, Peter nói.
Tôi rất bất ngờ. Tất nhiên, tôi cũng như bạn, luôn biết rằng nói dối là xấu và nói thật là tốt. Đó là điều chúng ta được dạy từ khi còn bé. Tuy nhiên, đó là bí mật thành công ư? Tôi nhìn Peter, một chút bối rồi và hoài nghi.
Peter nhẹ nhàng gật đầu và nói với tôi: “Hoàn toàn trung thực sẽ mang tới cho chúng ta sức mạnh tuyệt đối”.
“Bí mật thành công trong kinh doanh và cuộc sống đó là đừng bao giờ, đừng bao giờ nói dối”, Peter nói.
Khi nghe Peter nói, tôi bắt đầu nghĩ về những lời nói dối nhỏ nhặt mình vẫn thường làm hàng ngày. Thậm chí, tôi còn chẳng mảy may suy nghĩ là mình đang nói dối. Dù không thường xuyên, nhưng tôi cũng đã phóng đại đôi chút về số liệu hoặc cố tình bỏ sót một vài thông tin nhằm tô đẹp hơn cho báo cáo của mình.
Hình như, mỗi lần làm như vậy, cũng có một giọng nói nhỏ vang lên trong đầu tôi rằng tôi đang làm sai rồi, hãy dừng lại đi. Nhưng giọng nói cũng nhỏ, và tôi đã bỏ qua nó.
Quan trọng hơn, có thực là những lời nói dối nhỏ nhặt đấy đang kìm hãm sự phát triển của tôi?
Tôi lôi điện thoại ra tra cứu thử và biết được rằng, hầu hết chúng ta đều nói dối “một chút”. Một nghiên cứu của đại học Massachusetss cho thấy 60% người trưởng thành đều nói dối ít nhất 1 lần trong bất kỳ cuộc đối thoại nào kéo dài hơn 10 phút. Một nghiên cứu tương tự cũng cho thây 40% mọi người cũng nói dối trong lý lịch làm việc của mình và 90% những người tham gia vào các trang hẹn hò online nói dối về bản thân.
Nghiên cứu không điều tra số lượng các doanh nghiệp nói dối quỹ đầu tư của mình, nhưng tôi e rằng nếu có kết quả, chúng tôi phải nằm trong top đầu.
Hầu hết mọi người đều nói dối để bản thân trở nên tốt đẹp hơn. Một nghiên cứu của công ty cho thuê phim cho thấy 30% số người trả lời nói dối về việc họ đã xem bộ phim “Bố già”. Bố già là một bộ phim kinh điển, và nếu chúng ta chưa xem nó, chúng ta sẽ nói dối là mình đã xem rồi, để bản thân trông “khá khẩm” hơn.
Có rất nhiều lý do để nói dối: Để tránh đụng tới những sai lầm, để kéo dài thêm thời gian hay để tạo ấn tượng, cảm xúc cho một ai đó. Có thể trong vài trường hợp, trái tim mách bảo bạn làm đúng. Nhưng sự thực thì đó vẫn là nói dối.
Hãy quay lại với Peter. Ông đã đầu tư vào hàng trăm doanh nghiệp. Sau mỗi lần nghe các DN giới thiệu, ông lặng yên ngồi đến khi họ nói xong, sau đó mời DN ngồi xuống và chỉ ra từng lời nói dối trong bài thuyết trình.
Không có lần nào ít những lời nói dối cả. Lần nào cũng nhiều. Nhưng chỉ đến khi doanh nghiệp có thể mở lòng và nói sự thật, họ mới có thể biết được bước tiếp theo phải làm gì.
Peter khẳng định rằng nói dối là lý do số 1 khiến DN thất bại. Không phải vì nói dối biến họ trở thành những người xấu, mà bởi những lời nói dối đó đã khiến doanh nghiệp thoát ly khỏi thực tại, khiến họ quên đi những gì đang diễn ra ở thế giới thực.
Cứ mỗi lần bạn tiến hành báo cáo quá khối lượng, cố tình ghi giảm chi phí, bạn lại kém trung thực hơn với khách hàng và đội ngũ của mình. Cứ thế, cứ thế, bạn tô vẽ ra một bức tranh lệch lạc và sống trong đấy.
Nó cũng giống như chúng ta biết rõ nói thật là tốt nhưng vẫn chọn con đường khác, để rồi từ từ mất kiểm soát chính bản thân mình. Và thế là, thay vì có thể dồn toàn lực vào công việc, giải quyết những vấn đề, bạn phải ngồi lo nghĩ quản lý hậu quả của những lời nói dối. Tôi biết những người đã xây dựng sự nghiệp của mình từ sự thiếu trung thực, và sau đó dành cả đời cố gắng đạt được những kỳ vọng tưởng tượng mà họ đã đề ra.
Cũng giống tôi, Peter cũng học giáo lý nhà Phật và áp dụng nó vào công việc. Một trong những nguyên tắc quan trọng đó là luôn nhìn vào thực tại, đó là nơi yên bình, sáng tạo và năng động. Mỗi khi tôi nói dối, tôi biết rằng mình không còn ở thực tại nữa. Dù không phải là lời nói dối to tát gì, nhưng nói dối là nói dối. Và nói dối không thuộc về thực tại, nó thuộc về một tương lai sai lầm, làm tôi thêm căng thẳng và khiến tôi giảm bớt sức sáng tạo.
Để tiếp tục công việc tốt nhất, tôi phải quay về thực tại. Ở đó, không có nói dối.
Gần đây, tôi cũng phát hiện ra lời nói dối bào mòn chúng ta như thế nào. Trong nhiều năm, tôi đã là giám đốc của một tổ chức NGO. Chúng tôi đã làm được những việc tuyệt vời cho cộng đồng nhưng trong nội bộ chúng tôi lại chưa thực sự ăn ý. Một vài tuần trước, tôi phát hiện người quản lý nhóm đang nói dối. Cũng không có gì nghiêm trọng, mà chỉ là những lý do anh ta bịa ra vì sao mình đến trễ, hay không thể tham gia cuộc họp hay không đọc email. Khi bị tôi điều tra, anh ta đã thừa nhận và nói rằng nói dối giúp anh ta tránh được những xung đột phiền toái.
Thế nhưng, nó lại là lý do hiển nhiên tại sao nhóm của tôi không thể hoạt động: Mọi người trong nhóm không hề tin tưởng lẫn nhau. Cuối cùng, chúng tôi không thể hoạt động như một team và mang lại kết quả tốt như chúng tôi kỳ vọng. Các thành viên trong nhóm tình nguyện cảm thấy chán nản và sau đó là rời đi. Khi lãnh đạo nói dối, dù là lời nói nhỏ nhặt, nó cũng đủ khiến nhân viên mất đi niềm tin vào quản lý và tổ chức.
Không có sự tin tưởng, không tổ chức nào có thể hoạt động.
Vài tháng sau cuộc gặp gỡ với Peter, tôi đã suy nghĩ nhiều về sự trung thực và mối quan hệ của nó với sự sáng tạo, bình yên và thành công. Tôi quyết định đưa ra thử nghiệm cho riêng mình, thông qua việc cố gắng trung thực 100% trong bất kể việc gì, kể cả khi tôi không nhất thiết phải làm như vậy.
Đó là một thử thách khó khăn và “đáng sợ” hơn tôi nghĩ. Tôi cũng cảm thấy xấu hổ, khi nhận ra mình nói dối nhiều hơn mình nghĩ khá nhiều, hầu hết là để tự bảo vệ hình ảnh bản thân. Trung thực, đôi khi là một lựa chọn đầy khó khăn, và khiến ta dễ dàng bị tổn thương.
Nhưng kết quả lại đáng kinh ngạc. Trong một buổi ra mắt 6 tháng trước, khi nói về tình hình tài chính của mình, tôi đã thu thực rằng vì năng lực yếu kém và những sai lâm mình mắc phải, số tiền đã được sử dụng một cách nghèo nàn. Sai lầm đó, các nhà đầu tư chắc chắn sẽ không thể tự mình biết được.
Tôi đã cảm thấy lo lắng. Nhưng mặc kệ, tôi đã chọn một trải nghiệm mới mang tên hoàn toàn trung thực. Vào cuối buổi thảo luận, nhà đầu tư chiến lược đã nói: “Tôi đánh giá rất cao sự minh bạch của anh, Rebekah. Hãy cho tôi suy nghĩ một ngày về việc này”.
Ngày hôm sau, khi ông ấy gọi lại và nói rằng sẽ đầu tư vào, tôi đã cảm thấy ngất ngây.
Kể từ đó, tôi luôn bị “kẹt” với giáo lý của Peter. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên, công ty của tôi đã trải qua giai đoạn phát triển tốt nhất trong lịch sử.
Dù sao thì, nếu bạn đọc đến đây và nghĩ rằng, “điều này không đúng với tôi – tôi chẳng bao giờ nói dối”, có thể bạn đang nói dối với chính mình. Nếu cố gắng thành thực với bản thân mình, tôi tin rằng bạn sẽ tìm thấy cả 2 thứ: Sự khó khăn phải trải qua và phần thưởng xứng đáng. Đến lúc đó, quan điểm của bạn về kinh doanh, sẽ hoàn toàn khác biệt.
Theo Trí Thức Trẻ/NyTimes