Kho vận đang bước vào giai đoạn vàng nhờ sự phát triển của thương mại điện tử.
Theo báo cáo của các công ty nghiên cứu thị trường, ngành kho vận toàn cầu dự kiến vượt doanh thu 781 tỷ USD vào năm 2024, trong khi năm 2014 chỉ được khoảng 122,2 tỷ USD.
8 năm tới, mức tăng trưởng hàng năm của ngành này đều trên 20%. Các công ty kho vận cho thương mại điện tử dẫn đầu hiện nay như FedEx, DHL… sẽ chiếm hơn 50% thị trường.
Cùng với đó, sự bùng nổ của các website thương mại điện tử xuyên biên giới được kỳ vọng tạo ra bước ngoặt cho thị trường kho vận thương mại. Các dịch vụ vận chuyển giá rẻ cũng góp phần thúc đẩy cho toàn ngành nói chung.
Những website thương mại điện tử hoạt động theo mô hình B2C (từ doanh nghiệp đến khách hàng) và C2C (từ người dùng tới người dùng) đang làm tăng nhu cầu vận chuyển nội địa cũng như quốc tế.
Nếu chia kho vận theo dịch vụ, thì vận chuyển sẽ có thị phần lớn hơn so với kho bãi. Trên thực tế, dịch vụ giao hàng vẫn luôn đóng vai trò quan trọng trong quy trình kho vận và có rất nhiều doanh nghiệp đặt trọng tâm vào khâu cuối giao hàng (gồm đưa hàng đến khách, hỗ trợ thanh toán) thay vì chuyện kho bãi.
Dịch vụ vận chuyển được chia nhỏ thành nhiều danh mục thông qua phương thức chuyển hàng gồm hàng không, đường bộ, đường sắt và đường thủy. Trong đó, đường bộ chiếm phần lớn thị phần bởi đây là phương pháp phổ biến nhất, và bởi đường sắt và đường hàng không khó vận chuyển hơn.
Ngoài ra, còn nhiều yếu tố tác động đến sự phát triển của ngành kho vận, ví dụ như dân số tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương tăng nhanh đã tạo ra những cơ hội hàng tỷ USD cho thị trường kho vận. Khu vực này đang chiếm khoảng 60% dân số toàn cầu (theo báo cáo về Dân số thế giới năm 2015).
Lượng tiêu thụ smartphone đáng kinh ngạc cùng độ phủ của kết nối Internet tới người dân cũng là minh chứng cho thấy vì sao các công ty thương mại điện tử cũng như kho vận xem đây là thị trường tiềm năng.
Theo VnExpress