Hệ số nhân Keynes: tranh cãi nhưng cũng đầy quyền lực

John Maynard Keynes, một trong những nhà kinh tế học có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới, đã mô tả vai trò của hệ số nhân một cách chi tiết trong cuốn sách mang tựa đề “The General Theory of Employment, Interest and Money”.


Ảnh minh họa

Khi Tổng thống Obama tìm cách kích thích nền kinh tế Mỹ đang uể oải bằng cách tung ra một gói kích thích tài khóa trị giá hơn 800 tỷ USD, một cuộc tranh luận gay gắt đã nổ ra. Một số chuyên gia kinh tế thừa nhận rằng gói này sẽ không giúp ích nhiều cho nền kinh tế, ngược lại một số khẳng định GDP Mỹ sẽ được cộng thêm nhiều hơn con số 800 tỷ USD. Tuy nhiên, cả hai phe đều dựa vào một khái niệm kinh tế cơ bản: hệ số nhân Keynes .

Đây là một trong những khái niệm cơ bản nhất và cũng gây tranh cãi nhiều nhất trong kinh tế học vĩ mô. Vậy thì khái niệm này ra đời từ đâu và tại sao lại gây ra nhiều tranh cãi đến vậy?

Hệ số nhân Keynes xuất hiện từ những năm 1920 và 1930, trong các cuộc tranh luận về việc các Chính phủ nên phản ứng như thế nào khi nền kinh tế suy giảm. John Maynard Keynes, một trong những nhà kinh tế học có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới, đã mô tả vai trò của hệ số nhân một cách chi tiết trong cuốn sách mang tựa đề “The General Theory of Employment, Interest and Money” (tạm dịch: Lý thuyết chung về việc làm, lãi suất và tiền tệ).

Theo quan điểm truyền thống, vay mượn của Chính phủ khiến lãi suất tăng và đáng lẽ những nguồn tài nguyên ấy phải được sử dụng cho các hộ gia đình hay khu vực tư nhân. Keynes đồng tình rằng đây là điều xảy ra khi nền kinh tế ở trong trạng thái bình thường, nhưng khi nền kinh tế không đạt được trạng thái toàn dụng lao động, chi tiêu của Chính phủ sẽ có tác dụng tích cực đối với mức đầu tư và thu nhập của nền kinh tế.

Trong thời kỳ suy thoái, động thái kích thích của Chính phủ không ảnh hưởng tiêu cực đến đầu tư tư nhân, bởi vì nền kinh tế đang hoạt động dưới công suất. Ngược lại, dòng tiền chảy đến các ngóc ngách của nền kinh tế và làm tăng thu nhập của bộ phận nhận được hợp đồng thầu hay phúc lợi của chính phủ – những người sẽ chi tiêu và đầu tư nhiều hơn nữa. Nếu Chính phủ cắt giảm chi tiêu, những tác động tiêu cực cũng bị nhân lên theo cách tương tự.

Quan điểm của Keynes đã làm đảo lộn các chính sách kinh tế nhưng cũng không gặp phải nhiều tranh cãi ngay tại thời điểm nó ra đời. Chỉ đến những năm 1970, quan điểm này mới phải đối mặt với những lời chỉ trích từ các trường phái kinh tế mới ra đời.

Trường phái đi theo giả thuyết “kỳ vọng hợp lý” (rational expectation) mà người dẫn đầu là Robert Lucas cho rằng chính sách tài khóa sẽ bị bóp méo bởi những người nộp thuế luôn nhìn về tương lai. Họ cho rằng cuối cùng thì Chính phủ cũng phải trả khoản tiền đã đi vay và cuối cùng thuế sẽ phải tăng lên để bù đắp. Do đó họ không mạnh tay chi tiêu và đầu tư mà lại tiết kiệm số tiền kiếm được từ chương trình kích thích. Cuối cùng, trên thực tế gói kích thích có hiệu quả bằng 0, mỗi đồng được bơm vào nền kinh tế đều bị triệt tiêu bởi tiền tiết kiệm.

Để đáp lại lập luận này, trường phái “tân Keynes” ra đời. Trong số những ủng hộ trường phái này có nhiều người là các nhà hoạch định chính sách hàng đầu thế giới luôn cho rằng chính sách tiền tệ là vũ khí hiệu quả hơn nhiều so với kích thích tài khóa. Khi các NHTW thực thi chính xác nhiệm vụ của mình, chính sách tài khóa sẽ trở nên vô dụng. Chính sách tiền tệ hiệu quả khiến động thái điều chỉnh chính sách tài khóa không còn ý nghĩa, hệ số nhân Keynes gần như bằng 0.

Tuy nhiên, những ý tưởng cũ kỹ đã trỗi dậy sau khủng hoảng tài chính 2008. Kể từ năm 2008 đến nay, đã có nhiều tài liệu được công bố nhằm ước tính hệ số nhân tài khóa. Hầu hết đều cho rằng trong bối cảnh lãi suất thấp kỷ lục như hiện nay, các nước bắt buộc phải kích thích tài khóa. IMF kết luận rằng hệ số nhân trong động thái cắt giảm chi tiêu mà các nước đã thực hiện lên tới 1,5 lần hoặc nhiều hơn.

Rất nhiều nhà hoạch định chính sách cam kết sẽ thắt chặt chi tiêu công, nhưng nhiều chuyên gia kinh tế lập luận rằng các gói kích thích tài khóa không hiệu quả chính là một trong những thất bại lớn nhất của các Chính phủ trong thời kỳ hậu khủng hoảng.

Nhiều thập kỷ sau khi ra đời, hệ số nhân Keynes vẫn là thứ gây nhiều tranh cãi nhưng cũng rất có uy lực.

Theo Trí Thức Trẻ