Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của ông Đỗ Xuân Tùng – Giám đốc công ty Tư vấn và Đào tạo Nhân Việt về quản lý cửa hàng hiệu quả. Phần đầu tiên đề cập đến việc quản lý nhân viên và cửa hàng trưởng. Mời độc giả đón đọc.
Đặc điểm của nhân sự đứng bán trong cửa hàng là thời gian làm việc không lâu, số tiền công không lớn nên họ không hoàn toàn dồn hết tâm sức vào làm việc nếu không được quản trị và chỉ đạo đúng hướng.
Chưa kể, trái ngược với mô hình phân phối bên ngoài, mô hình cửa hàng vốn được mặc định trong tâm tưởng của nhiều người là mô hình bán hàng bị động. Ai tới thì bán, còn nếu không thì cũng chỉ có thể mời chào khi khách tới cửa hàng, không thể chủ động ra ngoài sục sạo, “tấn công” và “chốt quyết liệt” như sales các ngành khác được.
Trên thực tế, đặc tính đó là có, nhưng cái tai hại nhất chính là nó tạo ra tâm lý ỷ lại không cố gắng của cả nhân viên và đôi khi là của chính người chủ. Họ là những người mà khi tham gia lớp học của tôi lúc nào cũng nói: “Anh tính, thị trường nó chỉ có thế, làm gì hơn được?” “Bão hòa rồi anh, cố chả được!”. Tự nhủ như vậy có nghĩa là dù có cách làm khác, thay đổi một chút họ cũng sẽ không tin, không làm theo cho tới khi cả đám đông làm theo và thành công thì lúc ấy họ mới “ừ , à” và hiển nhiên là đã chậm so với số đông các cửa hàng còn lại trong việc gia tăng doanh số và thị phần.
Series bài viết của tôi sau đây là dành cho những người như thế, hy vọng họ sớm thay đổi để sớm có một doanh nghiệp phát triển bền vững hơn, chứ không phải những mô hình cửa hàng manh mún, sớm mở, chiều đóng cửa mà không biết vì sao.
BÀI 1: TÍNH VÀ SỬ DỤNG NHÂN CÔNG
Thời gian làm việc của nhân viên cửa hàng đã được sử dụng hết chưa?
Thời gian chết tại các cửa hàng thường rất lớn, dựa vào một định kiến rất lâu trong ngành bán lẻ, là “chúng em có lôi khách hàng tới được đâu” nên nhân viên thường coi việc có khách thì làm, không có khách thì kệ là chuyện hết sức bình thường. Và lúc kệ thì họ sẽ túm năm tụm ba, chúi đầu vào smartphone để chat chit hay selfie.
Thời gian mất đi đã đành, lúc này, họ còn đang tự luyện cho mình một ý thức dịch vụ rất tệ. Tới lúc nào đó, họ tới cửa hàng làm việc nhưng tập trung chính vào việc tận dụng thời gian để lên facebook, lướt web hay xem phim. Muốn chỉnh lại việc này, chủ cửa hàng cần phải:
1. Thống kê lại thời gian nào trong ngày thường là lúc rảnh rỗi nhất của nhân viên
Dù biết là có thời gian đó, nhưng đa số đều sẽ ngạc nhiên là tại sao có nhiều thời gian cửa hàng ít khách tới vậy. Nghĩa là các chủ cửa hàng đang trả một mức lương 8h chỉ cho khoảng 4 tới 5h làm việc của nhân viên. Đó là chưa kể tới việc chất lượng các giờ làm việc đó chưa đạt tới mức mà họ mong đợi.
2. Lập đầu mục công việc cho cửa hàng nằm trong trách nhiệm của nhân viên
Ví dụ: tìm hiểu đối thủ cạnh tranh ở khu gần đó, hỏi han chăm sóc khách hàng, search các phản hồi dành cho các sản phẩm tương tự, các cách chăm sóc khách hàng mới,..
3. Xác định quy trình làm các công việc đó với nhân viên
Nên thống nhất cả hai bên để tránh việc sau này họ than phiền rằng họ không thấy cách đó là đúng. Tránh hết sức kiểu phân việc chung chung như: Em phải tìm ra càng nhiều khách hàng mới càng tốt, em phải hỏi họ càng nhiều càng tốt,…Tốt nhất là viết hẳn ra giấy, mất thời gian một chút nhưng rõ ràng điều mình muốn họ hỏi, ví dụ: Quý khách vui lòng cho biết 3 thương hiệu quý khách nghĩ ngay tới khi mua sản phẩm balo được không ạ?
4. Xác định thời gian và số lượng mục tiêu cho từng công việc
Ví dụ: trong 1h họ tìm thêm được bao nhiêu khách mới, trong 2h thì add thêm được bao nhiêu người vào fanpage của công ty?
Các tiêu chí này là để tránh sau này phân việc rồi thì nhân viên lại than phiền là không đủ thời gian làm các việc thông thường khác, thành lãn công diện rộng trong cửa hàng hoặc hệ thống cửa hàng.
5. Phân lịch và ngày giờ làm việc
Điều này nghe đơn giản nhưng lại là điều ít được các chủ cửa hàng làm nhất. Họ thường nghĩ một khi đã nói với nhân viên việc đó là cần làm và tốt cho công việc là họ sẽ làm. Nếu nói ai thiếu sự chủ động nhất trong công việc, tôi tin đó là các nhân viên bán hàng tại các cửa hàng. Vì họ tới đó với mức lương thấp nên họ sẽ mặc định mình làm ở mức vừa phải thôi cho hết thời gian. Ít ai chịu khó học hỏi chăm chỉ. Chúng ta không nên mặc định họ đã làm hết sức rồi hoặc nếu chỉ cho họ cách làm hay họ sẽ tự làm theo.
6. Bố trí người quản lý việc đó và thời gian mà họ báo cáo
Thường thì đó là trưởng ca tại cửa hàng. Người này cần có năng lực và ý thức trách nhiệm nhiều hơn các nhân viên còn lại.
Trong một lần được nói chuyện với anh Đỗ Long chủ tịch của công ty BITAS, tôi được anh chia sẻ một bí kíp đơn giản để xây dựng công ty như ngày nay, đó là anh học được cách tính công cho công nhân từ một tài liệu dạy về quản lý nhà máy của hãng Bata. Quản lý nhân viên chính là nền tảng, nếu sử dụng tốt, chúng ta sẽ hiểu cách quản lý đúng phải làm sao và tận dụng công sức của nhân sự tại từng doanh nghiệp làm sao cho hiệu quả.
Theo Trí Thức Trẻ