Bài học cho Startup sau từ thất bại của Pebble

Từng được gạ bán tới 740 triệu USD, startup Pebble giờ muối mặt để Fitbit mua lại với giá chưa nổi 1/10.


Ảnh minh họa

Từng được coi là startup “ngựa ô” trong lĩnh vực đồng hồ thông minh, thậm chí là đi trước cả Apple, nhưng cuối cùng, Pebble đã phải bán mình cho Fitbit – một hãng sản xuất các thiết bị theo dõi sức khỏe nổi tiếng, để trả những khoản nợ trước đây.

Đặc biệt, Pebble còn được người ta nhắc đến nhiều vì ở thời hoàng kim, công ty này từng được gạ bán tới 740 triệu USD, nhưng giờ muối mặt để Fitbit mua lại với giá chưa nổi 1/10.

Câu chuyện của Pebble chính là một bài học cho các startup hoạt động trong lĩnh vực công nghệ nói riêng, các công ty khởi nghiệp nói chung.

Bởi thoạt nhìn, việc Pebble được Fitbit “cứu sống” là một tín hiệu tốt, nhưng thực ra đây là 1 tin không vui với startup này. Ngay cả khi chấp nhận bán mình, Pebble cũng chỉ giữ được các nhân viên cốt cán, các bằng sở hữu trí tuệ, trong khi 100 nhân viên còn lại sẽ bị sa thải.

Quả là kết thúc buồn với startup từng được xem là “chàng David” của Thung lũng Silicon – điểm sáng khiến các ông lớn như Apple, Samsung hay Google phải “học tập” theo.

Qua đó, các startup trẻ cũng được 1 số bài học kinh doanh “để đời”. Sau đây là những điều có thể rút ra khi chứng kiến Pebble “sụp đổ”…

Thành công sớm chưa chắc đã “ngon ăn”

Theo nguồn tin của Business Insider, ngay từ đầu Pebble đã có nhiều rắc rối. Nhưng họ đã quá mải mê với những thành công ban đầu, quá tin tưởng vào việc thị trường smartwatch sẽ phát triển thành công giống như smartphone.

Pebble đã có khởi đầu không thể tốt hơn với chiến dịch kêu gọi vốn đạt được hơn 10 triệu USD trên Kickstarter năm 2012. Đi trước cả Apple, Pebble cho ra mắt sản phẩm smartwatch đầu tiên năm 2013 và nhận được những phản hồi rất tích cực.

Nhưng mọi thứ trở nên tồi tệ khi nhà Táo cho ra mắt Apple Watch.

Migicovsky – CEO Pebble từng tỏ ra rất chủ quan sau sự kiện ra mắt sản phẩm của Apple: “Tôi nghĩ điều đó sẽ thúc đẩy người dùng quan tâm nhiều hơn tới smartwatch và sẽ giúp Pebble bán được hàng hơn”.

Đúng như dự đoán, doanh số bán của Pebble đã tăng lên vì người tiêu dùng thấy sản phẩm của Pebble là 1 lựa chọn rẻ, hợp lý hơn.

Nhưng điều mà Pebble chưa nghĩ tới, đó là họ không thể trụ vững khi đã có sự can thiệp của Apple vào thị trường smartwatch. Pebble bắt đầu có dấu hiệu “khó thở”, doanh số bán hàng giảm nhanh vì “cái bóng” của Apple quá lớn.

Năm 2015 trở nên tồi tệ với Pebble khi họ gặp vấn đề với các khoản chi trả cho các nhà máy gia công sản phẩm ở Đài Loan, đặc biệt là các khoản chi phí liên quan đến sản phẩm Pebble Time Round.

Những chiến dịch gây quỹ ở Kickstarter sau này của Pebble cũng không thể cải thiện tình hình của họ. Tầm nhìn về thị trường smartwatch của Migicovsky và các nhà điều hành là hoàn toàn sai lầm.

Thị trường thay đổi quá ngột ngạt khi nhiều ông lớn “nhảy” vào đầu tư. Bên cạnh đó, người dùng quay lưng với smartwatch vì nó chưa trở thành 1 tiện ích “phải có”.

Điều này khiến Pebble rơi vào tình thế chông chênh hơn bao giờ hết.

Những quyết định sa thải và đàm phán thỏa thuận

Dù doanh số bán hàng vào tuần lễ mua sắm của năm 2015 giảm mạnh, nhưng phía Pebble hầu như vẫn tỏ ra thờ ơ. Minh chứng là startup này đã không hề đưa ra được bất kì điều chỉnh nào nhằm cải thiện tình hình.

Pebble không có những buổi tổng kết, thảo luận về tình hình bán hàng trong những dịp mua sắm lớn để kịp thời thay đổi, cũng như nhận ra các thiếu sót của mình.

Đó là điều đã khiến công ty lụi tàn.

Đầu năm 2016, Pebble ra quyết định sa thải 25% số nhân viên của công ty. Thay vì đưa ra những thay đổi nội bộ, Pebble mở rộng tìm kiếm đầu tư bên ngoài, hoặc đi tìm các thỏa thuận “bán thân”. Một số nhân viên còn “tố” Pebble đã buộc họ phải “vẽ” ra doanh số bán hàng để giúp công ty có thêm giá trị.

Tuy nhiên mọi thứ diễn ra không hề thuận lợi.

Ban đầu là cuộc thỏa thuận tệ hại với ông lớn Intel. Migicovsky đã không thành công khi đàm phán với Intel về mức giá 70 triệu USD và phía Intel đã chủ động từ chối tiếp tục thỏa thuận.

Tiếp đó là những tin đồn về việc đàm phán với hãng đồng hồ Citizen từ Nhật Bản. Dù đã liên tiếp có những tin đồn về thỏa thuận giữa Citizen và Pebble, nhưng cuối cùng phía Citizen vẫn không đưa ra bất kì bình luận nào.

Kết quả là Pebble thất bại trong mọi cuộc đàm phán và không đạt được bất cứ mục tiêu nào.

Thử vận may mới

Sau công cuộc tái kiến thiết không thành, Migicovsky cố gắng thuyết phục những nhân viên còn lại với một vài điều kiện. Họ sẽ được tăng gấp đôi cổ phần ở công ty nếu tiếp tục ở lại làm việc. Nếu họ quyết định nghỉ việc, họ sẽ mất trắng phần cổ phiếu và chỉ nhận được phần lương cố định.

Đa phần các nhân viên đã chọn ở lại với mong muốn sản phẩm mới của Pebble sẽ vực dậy lợi nhuận công ty này.

Nhưng thực tế, khi 2 kế hoạch sản xuất Pebble Time 2 và Pebble Core vừa được thông qua, thì ngây lập tức Pebble gặp phải vấn đề về vốn.

CEO Micicovsky đã dành cả mùa hè để đi tìm các quỹ đầu tư cũng như ngân hàng, nhưng chỉ có 1 ngân hàng cho vay vốn và như vậy là không đủ để Pebble tiếp tục dự án.

Ngay sau đó, Fitbit đã đưa ra đề nghị mua lại Pebble với mức giá 40 triệu USD, có thể xem là sự cứu rỗi mà công ty này dành cho Migicovsky và các nhân viên “khốn khổ”.

Kẻ tiên phong lạc lối hay…

Migicovsky đã ngay lập tức đồng ý với thỏa thuận của Fitbit với suy nghĩ họ có thể nhờ vào tiền của Fitbit để mang đến thành công cho dự án mới. Nhưng mọi chuyện lại tiếp tục theo chiều hướng xấu đi với Pebble.

Đó được biết là thời điểm giá cổ phiếu của Fitbit đang giảm mạnh nên các nhà đầu tư vẫn thận trọng trong việc mua lại Pebble.

Fitbit quyết định chỉ mua lại những phần mềm công nghệ và các bằng sáng chế từ Pebble, còn những nhân viên của Pebble thì phải… phỏng vấn.

Không những thế, khi được hỏi về các dự án sản phẩm còn lại của Pebble, phía Fitbit thường né tránh trả lời và không nói ra ý định thực sự của họ.

Cho đến buổi phỏng vấn các nhân viên cũ của Pebble, Fitbit thậm chí còn không yêu cầu hồ sơ mà chỉ yêu cầu tài khoản LinkedIn của họ. Đó là cơ sở rõ ràng nhất giúp các nhân viên Pebble nhận ra, họ sẽ không có việc làm ở Fitbit.

Hầu hết họ về nhà và nhận được tiền lương còn lại từ Pebble. Còn Migicovsky cũng sẽ làm việc với 1 startup mới có tên Y Combinator.

Những sản phẩm còn chưa ra mắt được ươm mầm từ Pebble “cũ” sẽ trở thành minh chứng lịch sử cho Migicovsky và các nhân viên: Liệu họ có phải là những kẻ tiên phong lầm lỗi hay cũng chỉ là 1 hạt cát vô nghĩa trong lịch sử phát triển công nghệ.

Theo Trí Thức Trẻ