Năm 2016 sắp qua đi với nhiều biến động và thị trường tiền tệ cũng không nằm ngoài xu hướng đó.
Trong đó, có tiền tệ mất giá tới gần 60%. Dưới đây là các đồng tiền giảm giá mạnh nhất trong năm 2016.
Pound Ai Cập – Giảm 59%
Hồi tháng 11, chính phủ Ai Cập đã có động thái quyết liệt khi thả nổi tiền tệ. Đây là một phần trong nỗ lực giải quyết khủng hoảng kinh tế trầm trọng và đảm bảo một khoản vay khẩn cấp từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Ngay sau đó, đồng pound Ai Cập giảm 48% so với đồng USD. Kết thúc năm 2016, tiền tệ của nước này giảm tới 59% so với đồng USD.
Đồng naira của Nigeria – Giảm 37%
Trong năm 2016, giá dầu thấp gây áp lực lớn lên tiền tệ của Nigeria. 70% nguồn thu của chính phủ đến từ dầu mỏ. Ngoài ra, kinh tế nước này cũng bị ảnh hưởng bởi xung đột quân sự liên miên, trong đó nhiều cuộc tấn công nhằm vào ngành công nghiệp dầu mỏ.
Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ – Giảm 18%
Ngay sau thất bại của cuộc đảo chính quân sự hồi tháng 7/2016, đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ sụt 6%. Trong nửa cuối năm 2016, đồng tiền này tiếp tục giảm khi S&P và Moody’s hạ xếp hạng tín nhiệm của nước này xuống gần mức “rác”.
Trong suốt thập kỷ qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã tích lũy các khoản nợ nước ngoài khổng lồ. IMF và các tổ chức quan sát khác đã cảnh báo chính phủ nước này rằng “cơn nghiện” ngoại tệ hết sức nguy hiểm.
Đồng peso của Argentina – Giảm 17%
Tiền tệ của quốc gia lớn thứ 2 Nam Mỹ cũng phải chịu biến động lớn trong năm 2016. Dù những cải cách lớn giúp dấy lên hy vọng phục hồi tăng trưởng, nhưng nền kinh tế Argentina vẫn co lại 1,8% trong năm 2016. Đồng thời, mức lưng thực tế giảm, còn lạm phát lên gần 40%, theo IMF. Đồng peso của nước này giảm 17% giá trị so với đồng USD.
Đồng bảng Anh – Giảm 17%
Cuộc trưng cầu dân ý rời Liên minh châu Âu đã dìm giá đồng bảng Anh xuống 17%. Giới đầu tư tỏ ra lo lắng trước những tác động của Brexit lên nền kinh tế và tiền tệ của nước này chính là nạn nhân chính.
Trong tháng 7/2016, bảng Anh trở thành đồng tiền có diễn biến tệ nhất thế giới. Thậm chí, trong tháng 10, đồng tiền này giảm xuống mức thấp nhất trong 31 năm, chỉ đổi được 1,22 USD. Vào ngày diễn ra cuộc trưng cầu dân ý, giao dịch đồng bảng ở mức 1 bảng đổi 1,5 USD.
Đồng peso của Mexico – Giảm 17%
Sau chiến dịch tranh cử và chiến thắng của tổng thống đắc cử Donald Trump, đồng peso của Mexico bị dìm giá mạnh. Chính sách chống thương mại tự do và chống nhập cư của Trump khiến tiền tệ nước này mất 17% giá trị so với đồng USD. Để cứu vãn tình hình, tháng 11, ngân hàng trung ương Mexico đã phải tăng lãi suất.
Đồng bolivar của Venezuela
Venezuela đang chìm trong cơn khủng hoảng kinh tế tràm trọng. Tình trạng thiếu lương thực triền miên, thuốc không đủ đáp ứng nhu cầu thiết yếu. IMF dự báo lạm phát của Venezuala tăng 1.660%.
Theo dolartoday.com, một trang web phi chính thức theo dõi tỷ giá hối đoái tại Venezuela, trong năm 2016, đồng bolivar đã sụt 71% so với đồng USD.
Theo Trí Thức Trẻ