Ông chủ của doanh nghiệp sửa xe ô tô tại phía Tây bắc Tokyo đang phải bỏ cả tiền tiết kiệm hưu trí của mình ra để cố giữ cho garage tiếp tục hoạt động. Ông đã ở độ tuổi hơn 60, không thể kiếm được tiền nữa và biết rằng chắc cuối cùng sẽ phải đóng cửa doanh nghiệp của gia đình.
Dẫu vậy hiện tại, ông vẫn khăng khăng để garage hoạt động với một thợ máy duy nhất bằng việc trì hoãn trả các khoản nợ hết lần này tới lần khác.
Vị doanh nhân lớn tuổi này chia sẻ rằng garage được khởi nghiệp bởi người cha của ông sau chiến tranh và có lúc họ đã phải thuê tới 20 nhân viên. Vì lo sợ danh tiếng của mình sẽ bị ảnh hưởng nếu khách hàng biết được tình trạng kinh doanh của công ty nên ông đã không muốn để công ty phá sản.
Điều đáng nói đây chỉ là 1 trong 10.000 doanh nghiệp nhỏ của Nhật Bản đang tồn tại bằng việc sử dụng những chính sách tái cấp vốn vốn rất phổ biến tại Nhật Bản kể từ sau khủng hoảng tài chính.
“Tôi thật sự biết ơn vì điều đó” – ông chủ garage ô tô kể trên nói. “Khách hàng vẫn tiếp tục đến với garage, dù không nhiều nhưng chúng tôi không thể từ bỏ. Tôi hạnh phúc vì mình vẫn còn có thể tiếp tục”.
Trong khi thủ tướng Shinzo Abe đang ca ngợi tỷ lệ các doanh nghiệp phá sản ở quốc gia này đang ngày một giảm như một thành tựu kinh tế thì nhiều người chỉ trích những hệ lụy gây ra thông qua việc hỗ trợ những công ty “xác sống”. Ngoài ra, nhiều ngành công nghiệp ở Nhật Bản cũng đang phải trải qua tình trạng thiếu nguồn lao động hết sức tồi tệ.
Số lượng các doanh nghiệp phá sản giảm kể từ năm 2009
“Đó là lý do tại sao giá không tăng mà lạm phát tiếp tục leo thang”, theo Toru Fujimori đến từ công ty nghiên cứu Teikoku Databank. “Đó là sự cạnh tranh không công bằng. Những công ty này không chỉ không trả lại được tiền vay gốc mà thậm chí cả tiền lãi. Họ không có khả năng trả cả thuế. Mặt khác, những công ty lớn hơn lại đang phải trả tất cả những điều đó và vẫn phải cạnh tranh về giá”.
Fujimori định nghĩa các công ty xác sống là những đơn vị thể trả lại các khoản vay của họ và thua lỗ trong 3 năm liên tiếp.
Dĩ nhiên vấn đề này không chỉ xảy ra với riêng Nhật Bản nhưng tỷ lệ doanh nghiệp khởi nghiệp của quốc gia này chỉ là dưới 5% – tức là gần 1/3 so với những quốc gia phát triển khác theo số liệu của OECD.
Chính quyền của thủ tướng Abe đã cam kết sẽ cải thiện tình hình này. Cụ thể, chính phủ đã đặt mục tiêu trong năm 2013 tăng tỷ lệ doanh thu lên 10% và năm ngoái họ đã tuyên bố để đạt được con số này cần phải thay đổi cách nhìn của xã hội đối với vấn đề đó.
“Nếu họ thật sự cố gắng đưa ra những điều luật hà khắc hơn về tài chính, họ sẽ không nhận được sự chấp thuận ở nghị viện”, theo cựu nhân viên bộ thương mại Hiroyuki Kishi – hiện là giáo sư tại Đại học Keio. “Họ nói rằng mọi thứ đều đúng nhưng khi tiến hành làm thực tế, không có bất kỳ chính trị gia nào lại nhìn thấy một lượng lớn doanh nghiệp bị phá sản dưới nhiệm kỳ của họ. Chính vì vậy, họ không ngần ngại đưa ra những biện pháp trợ cấp về mặt tài chính”.
Một phần của vấn đề liên quan tới hậu quả từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Cụ thể, cựu Bộ trưởng bộ dịch vụ tài chính Shizuka Kamei đã thông qua một điều luật vào năm 2009 buộc các tổ chức tài chính phải phản ứng linh hoạt nhất có thể với những yêu cầu từ các doanh nghiệp nhỏ về việc đảo nợ các khoản vay. Dù sau khi luật này hết hạn, các tổ chức vẫn thúc ép ngân hàng thực hiện theo chính sách này”.
“Tôi đã nói họ cần phải thay đổi suy nghĩ” và tập trung vực dậy công ty thay vì vắt kiệt các khoản vay. Tôi nghĩ điều này sẽ cứu vớt hàng trăm nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ”.
Khoảng 70% người lao động Nhật Bản được thuê bởi những công ty nhỏ – trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong khi chính sách tái cấp vốn giúp tỷ lệ thất nghiệp của Nhật Bản giảm kể từ năm 2009, nhưng 2/3 số lượng các công ty của quốc gia này không thể có đủ lợi nhuận để trả thuế.
OECD đã đổ lỗi cho chính phủ Nhât Bản giúp đỡ các doanh nghiệp không có khả năng tồn tại bằng những khoản vay đảm bảo. “Sự hỗ trợ như vậy sẽ làm sai lệch, bóp méo nguồn lực tài chính vốn đã rất giới hạn của các công ty làm ăn tốt, có khả năng tồn tại, và như vậy làm giảm tiềm năng phát triển của cả đất nước Nhật Bản”.
Số lượng các công ty phá sản tại Nhật Bản đã giảm 7 năm liên tiếp, đạt 8.164 công ty trong năm 2016 theo Teikoku Databank, giảm so với con số 13.000 công ty trong năm 2009. Trong đó, có khoảng 35.000 công ty “xác sống”.
“Tôi ngày càng chứng kiến nhiều doanh nhân với gương mặt tiều tụy, không còn chút thiết tha với những kế hoạch kinh doanh. Họ có thể xin đáo nợ các khoản vay nếu chứng minh được sẽ cắt giảm chi phí”, theo chuyên gia tư vấn kinh doanh Masahiro Seno.
Tác dụng phụ
Chính sách vay quá dễ dàng đã phá hủy quy định về cho vay tại các tổ chức tài chính, theo Masahirou Ootomo – Trợ lý giám đốc trung tâm nghiên cứu và tư vấn Chugoku Bank.
Theo công bố của FSA thì họ lo ngại về tác dụng phụ của những cách tiếp cận máy móc đối với việc đưa ra các quyết định về tài chính sẽ gây ra những khoản nợ xấu. Hiện các cơ quan chính phủ từ chối bình luận về vấn đề này.
Kamei – một cựu chính trị gia của Nhật Bản thì nói rằng tất cả những chính sách đều có tác dụng phụ và trong trường hợp này, đó là sự cảm thông đối với những doanh nhân như chủ cửa hàng sửa xe ô tô được nhắc tới ở đầu bài viết.
“Những người như ông ấy đã nỗ lực hết mình. Họ đang cố gắng điều hành doanh nghiệp để có thể trả lại nợ”.
Theo Trí Thức Trẻ