Đó là quan điểm của tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, người sáng lập ra công ty sách Thái Hà chia sẻ trong cuốn sách của mình. Bởi theo ông biết rất nhiều người nổi tiếng. Họ đi dạy, dẫn chương trình, quản lý vài công ty, viết báo… mà mỗi ngày vẫn dành được cả tiếng đọc sách báo.
Ông Hùng cho rằng, Việt Nam chưa bao giờ được coi là nước có “văn hóa đọc”. Ở nước ngoài, đi đâu người ta cũng mang sách theo. Đi du lịch, đi chơi, họ tranh thủ đọc bất cứ lúc nào. Uống cà phê, chờ xe buýt, đến trước giờ hẹn, họ đều đọc sách…
Theo chính ông quan sát tại các điểm công cộng, bến xe buýt Việt Nam cách đây vài năm để đếm người đọc sách. Có quá ít người đọc. “Mỗi lần đi du lịch, bạn có nghĩ đến việc phải đem theo sách không? Bạn cứ thử làm một cuộc kiểm tra nhỏ về ba vật đầu tiên bạn nghĩ đến khi đi du lịch là gì? Có bao nhiêu phần trăm người chọn sách trong đó?”, ông Hùng đặt ra câu hỏi.
Ông cũng từng một ngày đi quan sát tại tất cả các bến xe buýt ở Hà Nội để có đánh giá sơ bộ về văn hóa đọc của người dân Hà Nội. Trong tất cả các bến xe buýt tại Hà Nội, tại tất cả những nơi ông đi qua, chỉ có 31 người đang đọc. 7/31 đang đọc sách. 5/31 đang đọc tờ quảng cáo. Số còn lại (19 người) đọc báo. Kết quả khiến nhà sáng lập Thái Hà Books phải ngỡ ngàng: Khi đợi xe buýt nói riêng và khi rảnh rỗi nói chung, người ta không biết tận dụng thời gian để đọc sách, khác xa các nước châu Âu, châu Mỹ, châu Úc ông đã đến.
Thêm một khảo sát khác là tại các sân bay. Trong một chuyến bay vào Tp.HCM, tại sân bay Nội Bài, doanh nhân này đã đếm được 15 người đang đọc sách, trong đó có 14 người là người nước ngoài. Trong chuyến bay quay về Hà Nội. Kết quả cũng không khác mấy. Tại sân bay Tân Sơn Nhất, ông đếm được 24 người đang đọc sách, trong đó có 22 người là người nước ngoài. Như vậy, những người Việt đi máy bay, theo ông Hùng tạm cho là có trình độ cao hơn, tri thức nhiều hơn những người Việt đi xe buýt, cũng không phải là chăm đọc sách.
Lãnh đạo cũng lười đọc sách
Không chỉ dừng lại ở quan sát, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng từng thực hiện điều tra qua phỏng vấn các nhà lãnh đạo và quản lý và kết quả như sau: Chỉ có 3/28 người (10,71%) ngày nào cũng đọc sách, nếu không quá bận. 15/28 có thói quen đi mua sách, ít nhất một tháng một lần (trực tiếp tại các nhà sách, nhờ người đi mua hộ hoặc đặt qua mạng, qua điện thoại).
Có một điều khiến ông Hùng rất bất ngờ: Một vị lãnh đạo khá thành đạt đã tâm sự thật với tôi rằng đã ít nhất ba năm nay anh không đọc bất cứ một cuốn sách nào. Anh nói rằng không cần đọc sách vì chỉ mất thời gian. Anh nói: Cả mấy năm nay anh có đọc sách đâu mà vẫn kinh doanh thành công, vẫn làm ăn phát đạt.
Theo kết quả điều tra của ông Hùng, 21/28 lãnh đạo thích và hay đọc sách chuyên ngành. Họ khẳng định ít đọc sách của các lĩnh vực khác. Chỉ có 7,75% những người được hỏi trả lời rằng họ vẫn đọc sách văn học, trong khi đó 78,57% khẳng định họ có đọc sách liên quan đến lãnh đạo. Tuy nhiên, 85,71% khẳng định họ chỉ đọc sách trong lĩnh vực này bằng tiếng Anh hoặc bản dịch nghiêm túc. Họ khẳng định không đọc những sách biên soạn lại vì theo họ phần lớn những sách này có nội dung không đúng nguyên tác và nhiều khi hiểu sai ý tác giả.
Qua kết quả điều tra cho thấy các nhà lãnh đạo không nằm ngoài tổng kết chung về văn hóa đọc của người Việt chúng ta: Ít đọc sách. Cũng theo nghiên cứu trên, khi có thời gian rảnh rỗi, các lãnh đạo dành thời gian vào các lĩnh vực giải trí theo thứ tự ưu tiên như sau: Gặp gỡ, chơi thể thao, đọc báo, xem ti vi, vào mạng, nghe nhạc, đi ăn uống. Vị trí của đọc sách trong thứ tự ưu tiên là thứ 14.
Cũng không thể không nói đến kết quả khác của cuộc điều phỏng vấn này: Nhóm các lãnh đạo thế hệ 7X đọc sách nhiều nhất. Vị trí tiếp theo thuộc về 8X. Sau đó là 6X. Các lãnh đạo nhóm lứa tuổi 7X, 8X thường đọc sách trên mạng, trong khi các lãnh đạo nhóm 6X, 5X thường mua sách quyển, sách in trên giấy về đọc. Tuyệt đại đa số các nhà lãnh đạo thế hệ này đều có thư viện sách tại nhà, thậm chí tại cả cơ quan.
Kết quả điều tra khiến Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng thoáng buồn bởi theo ông, trên thực tế, đọc sách không chỉ mang lại cho chúng ta kiến thức. Việc đọc sách đem đến cho chúng ta niềm vui, làm chúng ta thư giãn. Sách mang đến cho chúng ta cảm giác hồi hộp, làm chúng ta cười, giúp chúng ta quên đi những nỗi lo âu, xua tan bực dọc. Nếu chăm đọc sách, người lãnh đạo, giám đốc còn có thể tạo ảnh hưởng tốt đến cấp dưới, đến nhân viên. Nếu có thói quen đọc sách, các nhà lãnh đạo có thể truyền thói quen này cho những người trong gia đình, nhất là con cái của mình.
Đọc sách còn giúp chúng ta định hướng. Người đọc học hỏi được nhiều điều bổ ích, biết thêm nhiều thông tin mới. Việc đọc cũng đem đến niềm hứng khởi, làm cho chúng ta suy nghĩ về cuộc đời, ngẫm lại những gì ta đã làm trong quá khứ và những gì chuẩn bị làm trong tương lai.
Theo Trí Thức Trẻ