Chúng tôi xin giới thiệu bài viết “Khen” của Chuyên gia tư vấn và đào tạo Kỹ năng Bán hàng/ Quản lý Bán hàng Đỗ Xuân Tùng. Mời độc giả đón đọc.
Có một bộ phim nổi tiếng của đài BBC có tên “Thế kỷ 20 – thời đại của cái TÔI”, trong đó khẳng định con người ngày càng muốn được tôn cái tôi cá nhân lên nhiều hơn và nó đã thành trào lưu trên toàn cầu. Làm đúng theo đó, câu khen dành cho nhau trong một tập thể nên là:
1. Khiến cho người được khen thấy rằng lời khen dành riêng cho mình, và chỉ cho mình mà thôi
Một bài tập cho các ứng viên tổng thống Mỹ là họ phải bắt tay hàng nghìn người trong một ngày và với ai cũng từng đó động tác, gồm nhìn, cười, chào, bắt tay, hơi cúi người. Tuy chỉ từng đó thứ nhưng yêu cầu đặt ra là phải khiến cho mỗi người đều thấy như là chỉ RIÊNG MÌNH được hưởng những tình cảm đặc biệt từ ứng viên.
Không nói về các kỹ thuật hành vi phức tạp và tỉ mỉ, chỉ cần về mặt ngôn từ chúng ta cũng có thể và nên bắt chước họ.
Hãy luôn sáng tạo và luôn làm mới vốn từ của mình. Để làm việc này, hãy tìm những từ có nghĩa tương đương đầy rẫy trên mạng internet hay trong các từ điển đồng nghĩa trái nghĩa. Sau đó, khi gặp ai, dựa trên kinh nghiệm của mình và sự thể hiện cá nhân của họ, hãy khen sao cho phù hợp.
Ví dụ, típ người thích hành động thì hãy khen họ bằng các trạng từ, típ người thích tư duy ít hoạt động thì hãy khen về khả năng tư duy, trí tuệ của họ.
2. Khen sáng tạo mỗi ngày
Kể cả khi đã ấn định một người nên được khen theo cách nào đó để phân biệt với người khác, vẫn cần có thêm những cách khác nhau để họ tiếp xúc và thấy chúng ta quan tâm tới họ mỗi ngày do chúng ta khen mà không lần nào trùng cả.
Cùng là vẻ đẹp nam giới nhưng hoàn toàn có thể có những từ: mạnh mẽ, nam tính,… rồi hết tính từ thì sang dạng câu hỏi: Em tập môn gì? Để tập được như em có lâu không? Có khó không? Em tập ở đâu? Theo em anh nên tập môn gì?
3. Khen bằng xưng hô
Việc này thì không hẳn là khen nhưng tác dụng của nó thì tương tự như cách khen là tạo ra tình cảm tích cực ở người giao tiếp.
Trong nghề sales thì cách làm hay nhất là nâng dần mức độ thân cận lên bằng cách gọi anh-em, sau đó thành “em và bác”. Nếu làm khéo chỉ trong 10 tới 15 phút tiếp xúc là việc này có thể được áp dụng rồi.
4. Khen bằng hành vi
Thông thường đã thân quen nhau rồi thì người ta không còn khen nhau quá nhiều nữa, nhưng do mối quan hệ gần gũi nên họ lại chuyển sang một trạng thái tương tác về mặt hành vi khác hẳn những người mới gặp nhau lần đầu.
Bộ môn tâm lý học hành vi cho thấy tác dụng rõ rệt ở đây khi đưa ra các quy định về các hành động không nên làm và nên làm. Để tạo ra sự thân thiện, người ta có thể: Đứng gần lại, theo đúng hướng phù hợp giữa hai giới tính, cười nhiều hơn, vâng dạ nhiều hơn…
Một lưu ý nho nhỏ: Tôi đã rất nhiều lần kiểm tra và thấy trong các lớp sales và quản lý sales của mình, học viên nam khen học viên nữ tốt và nhanh hơn so với học viên nữ khen nam giới. Cùng một số lượng học viên mà nam giới cần tới nhiều bảng viết hơn, giấy A0 hơn trong khi nữ giới chỉ có một số lượng câu khen rất giới hạn. Nên chăng tới lúc các sales nữ biết rằng họ nên học cách khen vì lời khen giúp chúng ta giải quyết vô cùng nhiều vấn đề mà không phải mất nhiều công sức?
Theo Trí Thức Trẻ