Thị trường lao động Việt Nam: Áp lực không biên giới

Cạnh tranh nguồn nhân lực không chỉ diễn ra ở thị trường nội địa mà còn xuyên biên giới. Nếu thiếu hụt nhân sự tài năng, Việt Nam sẽ trở thành “mỏ vàng” cho lao động nước ngoài nhập cuộc.


Ảnh minh họa
Thị trường lao động lạc quan

Tỷ lệ các nhà tuyển dụng Việt Nam công bố xu hướng mở rộng thị trường ở mức cao nhất trong khu vực với 68% công ty dự định tăng nhân sự trong năm 2017 và không có công ty có kế hoạch ngừng tuyển dụng. Trong khi có 20% công ty Singapore có kế hoạch ngừng tuyển dụng trong năm 2017, cao nhất khu vực. 37% nhà tuyển dụng Việt Nam cho biết khó khăn nhất khi tuyển dụng các vị trí quản lý, tiếp theo là nhân viên có 1 – 4 năm kinh nghiệm – cấp bậc được xem khó tuyển nhất tại Singapore và Thái Lan.

Triển vọng thị trường việc làm tích cực nhất của Việt Nam đang được đặt vào ngành công nghiệp sản xuất, do Việt Nam tiếp tục có sự gia tăng đột biến của các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực này, với mức tăng từ 9 – 9,7% trong năm 2016 so với năm trước. Sự lạc quan đó còn được đặt vào tầm nhìn phát triển trung hạn của nền kinh tế Việt Nam được đánh giá khá thuận lợi, trong đó tăng trưởng GDP dự kiến đạt 6,3%, theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB). Triển vọng đó cũng được đặt trong bối cảnh các động lực tăng trưởng chính của quốc gia là sức cầu mạnh trong nước và các hoạt động chế tạo, chế biến định hướng xuất khẩu đang tăng trưởng.

Các chuyên ngành quảng bá kinh doanh và tiếp thị được xem có triển vọng nghề nghiệp tích cực nhất năm 2017, do nhu cầu nội địa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Xếp hạng thứ 2 là các ứng viên chuyên ngành công nghệ thông tin (IT), do Việt Nam là một trung tâm công nghệ đang phát triển, dự báo sẽ làm tăng nhu cầu tuyển dụng các ứng viên trong lĩnh vực điện toán đám mây, dữ liệu lớn, thương mại điện tử và bảo mật thông tin. Trong khi đó, các ứng viên trong ngành y tế và viễn thông xếp hạng hai ngành có mức tăng trưởng tích cực nhất và dự đoán tình hình cạnh tranh căng thẳng hơn.

Các ứng viên cũng xác định họ sẽ dễ dàng hơn để tìm được một công việc tốt nhờ niềm tin vào sự tăng trưởng thị trường việc làm sẽ được thúc đẩy bởi sự xuất hiện của các kỹ năng và loại hình công việc mới, cũng như sự gia nhập của các công ty nước ngoài. Trong thị trường lao động bùng nổ, họ cũng chủ động tìm cơ hội việc làm thông qua các kênh trực tuyến đang chiếm lĩnh trên internet như mạng việc làm, mạng tuyển dụng của doanh nghiệp và mạng xã hội, với 47% ứng viên sử dụng bên cạnh các cách thức truyền thống.

Công nghệ thay đổi nhanh chóng đang làm biến đổi cách thức tìm việc, các ứng viên ngày nay dễ dàng tiếp cận các cơ hội nghề nghiệp ngay cả khi họ đang có việc làm. Nhìn nhận lạc quan của ứng viên và nhà tuyển dụng cũng cho thấy cuộc cạnh tranh nhân tài đang ngày càng khốc liệt. Các doanh nghiệp cần có chiến lược tuyển dụng và phát triển nhân tài minh bạch cả trung và dài hạn nhằm đảm bảo vị thế cạnh tranh.

Áp lực không biên giới

Việc thu hút và tuyển dụng đúng nhân tài ở thời điểm hiện tại đã khó, còn khó hơn nữa khi nguồn ứng viên này đang bị thu hút bởi những công việc tại các quốc gia phát triển như Singapore và Malaysia, nơi họ có thể có được mức lương và cơ hội phát triển nghề nghiệp tốt hơn. Cuộc chiến nhân tài không giới hạn ở trong nước mà đang nâng tầm khu vực, đặt ra nhiều thách thức trong việc tuyển dụng và giữ chân nhân tài, đặc biệt từ khi Việt Nam tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).

Điểm thách thức thứ hai là sự chênh lệch mức lương giữa lao động Việt Nam và khu vực, điều này vô hình trung gây ra hiện tượng chảy máu chất xám khi những lao động có kỹ năng, tay nghề cao dần dần lựa chọn làm việc tại nước ngoài. Trong khi đó, thị trường lao động cấp cao trong nước lại là điểm đến lý tưởng cho lao động nước ngoài. Chọn cách săn người để lấp vào khoảng trống, hay xây dựng và đào tạo đội ngũ nhân sự mới buộc các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu để có chính sách phù hợp nhất.

Mặt khác, việc thiếu hụt nhân sự tài năng cũng là “mỏ vàng” cho lao động nước ngoài, điều này được minh chứng qua số lượng chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam liên tục tăng thời gian qua. Theo số liệu của Cục Quản lý lao động nước ngoài, có tới 61.000 (76%) người nước ngoài giữ vị trí quản lý cấp cao với mức lương cao hơn mức lương trung bình tại Việt Nam đến 50 lần (103.000 – 200.000 USD/năm). Điều này cũng giải thích vì sao Việt Nam là quốc gia ưa thích thứ 2 của lao động nước ngoài (chỉ sau Singapore) trong khu vực Đông Nam Á.

Ngoài mức lương cao, 3 yếu tố thu hút chính là tốc độ tăng trưởng kinh tế, trải nghiệm cuộc sống và môi trường phù hợp cho gia đình. Điều này dẫn đến những hạn chế trong quá trình phát triển sự nghiệp của những nhân tài Việt khi những vị trí chủ chốt thường được nắm giữ bởi nhân sự nước ngoài, dù họ được các công ty sử dụng để phát triển và chuyển giao kiến thức cho đội ngũ nhân sự nội địa, hoặc chỉ để quản lý trong thời gian ngắn thì vẫn là thách thức cho cả người lao động và doanh nghiệp Việt Nam.

Theo DNSG