Tony Guo là CEO của công ty tư vấn RunRex. Ông học sinh học và luật ở 2 trường đại học danh tiếng. Nhưng những lời bình luận mới đây của ông lại dành cho những người đang cân nhắc rời bỏ con đường đi vào tương lai với tấm bằng đại học.
Dưới đây là những gì Guo nói trong một bài viết trên LinkedIn:
“Hai tấm bằng đại học của tôi tiêu tốn 410.016 USD. Học phí Đại học New York (NYU) là 71.754 USD/năm tức 287.016 USD cho 4 năm học. Trường luật William and Mary có học phí 41.000 USD/năm hay 123.000 USD cho 3 năm cử nhân luật. Hiện nay tôi đang làm việc trong ngành marketing kỹ thuật số, nơi mà người giỏi nhất tôi biết không có bằng đại học. Anh ta chỉ có động lực mà thôi. Cuộc đời thật kỳ lạ, phải không?”
Chúng ta có thể tóm gọn quan điểm của Guo trong một câu: Cách học tập mà cả thế giới theo đuổi đang thay đổi.
Để thành công, không chỉ có một cách
Tất nhiên giáo dục có sức mạnh của riêng mình. Một số công việc đòi hỏi phải có tấm bằng đại học; chẳng hạn bạn không thể hành nghề y hoặc luật nếu không có bằng đại học và chứng chỉ.
Nhưng đối với phần còn lại, liệu trường đại học dạy ta được bao nhiêu về thế giới thực, về những kỹ năng thiết thực?
Một số người cho rằng chính kinh nghiệm ở trường đại học mới mang lại lợi ích, chứ không chỉ tấm bằng. Nhưng cách chúng ta học tập đã thay đổi đáng kể trong thập niên vừa qua. Với kiến thức ở khắp mọi nơi và tiếp cận cực kỳ dễ dàng, bạn có thể tự học để làm gần như bất kể việc gì bạn muốn.
Guo là một ví dụ điển hình. Trong bài viết của mình, một độc giả hỏi liệu ông có hài lòng với quyết định của mình và với vị trí hiện tại hay không, Guo đã trở lại như sau:
“Tôi hài lòng. Nhưng thật ra, tôi vẫn có thể đến được vị trí ngày hôm nay mà không cần bằng đại học và tiết kiệm được 7 năm trời cùng tiền học phí. Những gì tôi làm hiện nay hoàn toàn khác với những gì tôi học ở 2 trường đại học nêu trên. Một số người cho rằng tôi đã học được cách học ở đó… nhưng các lớp ở NYU đều dạy về các kiến thức trong sách. Và hầu hết các giờ học đều là các giáo sư đọc ra những ghi chép của mình.”
Và đây không phải là cảm nhận của riêng ông.
Trong một cuộc hội thảo gần đây, CEO của LinkedIn là Jeff Weiner đã nói về tương lai của công ty, nhấn mạnh những phẩm chất như đam mê và nhiệt huyết, đạo đức nghề nghiệp, sự kiên trì, trung thành và tư duy hướng tới phát triển.
“Đây là những phẩm chất mà bạn không nhất thiết có được từ một tấm bằng đại học”, ông nói. “Có những phẩm chất thường bị quên lãng hoàn toàn khi người ta lướt qua đống hồ sơ trên LinkedIn. Nhưng chúng ta ngày càng nhận thấy đây là những con người có thể tạo nên sự khác biệt. Càng ngày tôi càng thấy câu nói “Kỹ năng, chứ không phải bằng cấp” là đúng.”
Laszlo Bock, cựu giám đốc nhân sự của Google cũng chia sẻ suy nghĩ tương tự vào năm 2013 trong một cuộc phỏng vấn với The New York Times. “Sau 2 hoặc 3 năm, khả năng làm việc của bạn hoàn toàn không liên quan gì đến thành tích học tập nữa, vì những kỹ năng mà bạn có được ở đại học rất khác”, Bock cho biết. “Về cơ bản bạn hoàn toàn là một con người khác. Bạn học hỏi và trưởng thành, bạn nghĩ về mọi thứ hoàn toàn khác.”
Tất nhiên không thể phủ nhận những ưu điểm của giáo dục tại các trường đại học. Nhưng coi đây là cách duy nhất để thành công thì không chỉ sai mà còn nguy hiểm, đặc biệt là với những người năng động, đại học không phải là con đường mang lại lợi ích cao nhất.
Vấn đề không phải chỉ là tiền bạc. Vì thời gian thậm chí còn quý hơn.
Tất nhiên, mọi người đều phải quyết định cuộc đời của mình, vì thế hãy đưa ra lựa chọn sáng suốt nhất cho bản thân mình. Nhưng trước khi làm điều đó, hãy luôn nhớ rằng: Bạn có thể học được rất nhiều ở trường đại học, nhưng còn học được nhiều hơn nếu bước chân ra khỏi đó.
Theo trí thức trẻ