Phảng phất Tết xưa

Những cơn gió mùa rét buốt kèm theo mưa phùn lạnh giá của mùa Đông phía Bắc đã trở thành một đặc sản gợi cho con người ta nhớ đến cái không khí của ngày Tết. Thực ra nói là không khí ngày Tết nhưng cái mà người ta nghĩ đến và mong đợi là không khí của những ngày trước Tết, không khí của việc chuẩn bị Tết.

Đứa trẻ trong tôi vẫn không bao giờ quên được những háo hức khi tháng Chạp kéo về, vui  nhất là dậy từ sớm mà chẳng cần phải thúc gọi và chuẩn bị cùng mẹ đi chợ. Dù chưa hẳn là phiên chợ Tết nhưng hàng hóa đã thật nhiều với bao nhiêu người mua bán. 

Hai bảy Tết mọi nhà đã rục rịch gói bánh gai, bánh mật. Lau lá, thái mật, rồi đập, đập đến mỏi cả tay mà bột, lá với mật vẫn chưa hòa lại với nhau.  Rồi mẹ phải  mang đến những nhà có cối giã gạo ngày xưa giã nhờ để mang về gói. Mẹ luôn nhắc phải gói kín đừng để hở nhân không là bánh sẽ bị sùi. Cảm giác khi bóc chiếc bánh đầu tiên vừa lấy ra thơm mùi lá chuối khô đặc trưng hòa với mùi bánh thật tuyệt vời.
Bánh chưng vẫn là món bánh không thể thiếu và luôn luôn được lũ trẻ mong mỏi để được ngồi cạnh bố nhìn và học gói. Nhưng háo hức bao giờ cũng được gói cho một chiếc bánh con con bằng nắm tay dành riêng cho mình. Năm nào cũng bảo sẽ thức cùng bố để trông bánh nhưng chả năm nào chờ được đến khi bánh chín. Sáng dậy cầm trong tay chiếc bánh của mình mà vẫn cứ trách bố sao không gọi lúc vớt bánh ra…

Cuối cùng thì Tết cũng đến sau những ngày bận bịu chuẩn bị, tiếng pháo nổ từ tối ba mươi đến tận sáng mồng một, tiếng pháo đã in sâu vào ký ức với những lần sáng sớm tinh mơ của mồng một chạy sang nhà hàng xóm nhặt pháo rụng về bị chị gái dọa dông sẽ mọc đuôi. Tiếng pháo giờ chỉ còn trong ký ức và trong những câu chuyện của ngày xưa mà thôi…

Năm mới đi chúc Tết, cả nhà đi hết đằng nội, rồi hết đằng ngoại, sau đó theo bố đi chúc Tết bạn bè của bố.  Đây là khoảng thời gian ngắn ngủi để tìm đến nhau và dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất, trao cho nhau những lời chúc vào ngày đầu tiên của năm mới với hi vọng sẽ được nhiều may mắn cả năm… 

Thời gian trôi nhanh như nó vẫn trôi, bỗng ta cứ lớn lên  cùng với những lo toan về cuộc sống với cơm áo gạo tiền. Những cái Tết cũng phai dần đi những nét truyền thống nhưng cũng kịp bổ sung thêm những nét mới mà đôi khi làm người ta thấy tiếc, xót xa… Và dù có thế nào đi nữa, Tết Nguyên Đán trong người Việt luôn là một điều linh thiêng nhất.

(Ảnh sưu tầm)