Danh tiếng đến từ văn hóa hành xử

Trong kinh doanh, uy tín của được coi là thứ tài sản vô giá và có tầm ảnh hưởng sống còn đối với doanh nghiệp. Với danh tiếng lẫy lừng trên thương trường, công ty bạn hầu như sẽ không gặp phải trở ngại đáng kể nào trong việc chinh phục khách hàng, tăng định mức sản phẩm, tuyển dụng lao động cũng như thu hút nhân tài, huy động vốn đầu tư và giành thắng lợi trong các họp đồng kinh doanh. Tuy nhiên, trong môi trường cạnh tranh đang ngày càng trở nên gay gắt hơn bao giờ hết, đã bao giờ bạn nghĩ đến việc tạo dựng và nâng cao uy tín của công ty mình thông qua cách hành xử với những đối thủ mà ngày ngày bạn đang phải đối mặt?

Thông qua danh tiếng của bạn, mọi người sẽ hiểu được tình trạng, thực lực, cũng như đánh giá được cả cách thức và đạo đức kinh doanh của cá nhân bạn và của công ty như thế nào. Vấn đề mà mọi người thường nhìn nhận là bạn có hoạt động kinh doanh trong sạch và hiệu quả không, bạn có cạnh tranh lành mạnh không, cách đối xử với nhân viên trong công ty của bạn đã tốt hay chưa, hoạt động xã hội của công ty đã tích cực và hiệu quả hay việc bạn có sử dụng “võ miệng” trong việc tuyên truyền xấu về đối thủ không…cùng nhiều câu hỏi kĩ lưỡng khác. Và danh tiếng, uy tín tốt đẹp sẽ chỉ đến với bạn từ những yếu tố ấy.

Tuy nhiên, thật thú vị khi bạn thử nhìn nhận và đánh giá vai trò của những đối thủ trong việc tạo dựng uy tín cho công ty bạn. Theo Norm Brodsky (chuyên gia của The INC, Mĩ), thì ý kiến và quan điểm của đối thủ về bạn và công ty bạn có một tầm ảnh hưởng nhất định và có giá trị hơn hẳn của một nhóm người nào đó. Vì sao lại như thế? Vì họ có chung mục tiêu và tầm nhìn giống như bạn, và họ cũng muốn nhắm vào cùng thị trường và đối tượng khách hàng tiềm năng như công ty của bạn. Bên cạnh đó, họ cũng phải đối mặt với những khó khăn mà công ty bạn đang phải trải qua. Nếu như bạn tỏ ra tôn trọng đối thủ của mình, hoặc có những động thái tích cực để dành được sự tôn trọng của họ hơn là tỏ ra thiếu lành mạnh hoặc có những hành động gân hấn, kích động lẫn nhau một cách thô tục và kém đạo đức, thì danh tiếng của bạn sẽ đi lên ngay từ mối quan hệ với những đối thủ vốn “không độ trời chung”. Hơn ai hết, bản thân những công ty cạnh tranh với bạn và những vị khách hàng sẽ cảm nhận được thái độ và phong cách hành động của công ty bạn.

Điều đó không có nghĩa là bạn không nên cạnh tranh với đối thủ của mình, vậy đâu là những giới hạn và nguyên tắc nhất định để “tranh thủ” được sự tôn trọng của đối thủ và tạo được uy tín tốt đẹp? Sau đây là ba nguyên tắc cơ bản do Norm Brodsky tích lũy được và gợi ý cùng độc giả:

Nguyên tắc thứ nhất: Không được nói xấu đối thủ

Trong quá trình làm việc với khách hàng, bạn có thể hỏi han về những công ty hoặc nhà cung cấp mà khách hàng đã từng sử dụng. Thông thường, khách hàng sẽ ngay lập tức nêu lên một vài nhãn hiệu “quen quen”, đó chính là đối thủ của công ty bạn. Tuy nhiên không phải vì thế mà bạn tung ra một tràng những lời nói tiêu cực và không hay chút nào về những công ty nọ. Hãy nắm lấy tình huống này để chứng tỏ với khách hàng là quan hệ giữa các công ty tốt đẹp như thế nào, và công ty mình đã hòa hợp với các công ty bạn ra sao: “Những công ty ấy cũng tốt đấy, tuy nhiên tôi tin rằng quý khách sẽ hài lòng hơn khi lựa chọn công ty của tôi, với những ưu thế sau…”. Khách hàng sẽ ấn tượng về thái độ lịch sự và “chơi đẹp” của bạn!

Nguyên tắc thứ hai: Đừng tỏ ra bạn là kẻ thất bại thảm hại

Vào một ngày không măy mắn nào đó, sẽ xảy ra chuyện đối thủ “cuỗm” đi một lượng lớn khách hàng từ tay công ty bạn, đó quả là một thất bại lớn cho bạn! Tuy nhiên, nếu bạn có tỏ ra tức giận và thù hằn thêm thì cũng không thể giành lại được các quý khách hàng thân yêu được nữa. Bạn hãy tự nhắc nhở mình, không ai có thể nói trước được tương lai sẽ như thế nào! Những vị khách hàng không lựa chọn sản phẩm hoặc dịch vụ của công ty bạn nữa, nhưng với thái độ tích cực và uy tín tốt mà họ cảm nhận được từ bạn, họ vẫn sẵn sàng giới thiệu thêm cho công ty những vị khách mới. Thậm chí bạn có thể hi vọng là họ sẽ có ngày quay trở lại với công ty bạn! Bởi vậy, đừng tỏ ra lạnh nhạt hay trút cơn tức giận lên khách hàng khi họ rời khỏi bạn, đối thủ sẽ lại càng có “cớ” để khiến khách hàng giũ bỏ hẳn những uy tín tốt đẹp của họ về bạn. Hãy luôn nhiệt tình với các vị “thượng đế” kể cả lúc họ đến rồi đi, và chứng tỏ cho đối thủ của bạn biết điều đó.

Nguyên tắc thứ ba: Luôn thể hiện thái độ thân thiện và nhiệt tình cộng tác

Thái độ này cần được thể hiện khi bạn thực hiện hợp đồng trực tiếp với các đối thủ của bạn. Chẳng hạn như đó là lúc một khách hàng rời bỏ đối thủ để chuyển đến với bạn hoặc ngược lại, rời khỏi công ty bạn để làm ăn với phía đối thủ. Hãy xem đây là cơ hội để bạn có thể gửi đến “người ấy” một vài thông điệp thân thiện. Chẳng hạn trong ngành vận tải, khách hàng không thuê kho bãi của bạn nữa mà chuyển qua một kho tập kết của đối thủ. Khi lái xe của phía “địch” đến vận chuyển hàng hóa, bạn hãy tỏ ra nhiệt tình giúp đỡ họ, tạo điều kiện để hàng hóa rời kho bãi an toàn, tuân thủ đúng lịch trình hẹn. Như vậy, phía đối thủ sẽ không thể hành động xấu hơn với bạn khi lái xe của công ty bạn phải đến kho bãi của công ty nọ để chuyển hàng. Thậm chí, kể cả khi phía đối thủ có thể “khiêu khích” bạn bằng cách “treo” việc vận chuyển lại cả ngày trời, đừng tỏ ra nóng giận và gây gổ với phía công ty nọ, nếu không hậu quả bạn sẽ phải gánh chịu hoàn toàn.

Nhìn chung mối quan hệ của bạn với những đối thủ khác trên thương trường không phải bao giờ cũng phải duy trì ở mức độ thù hằn hoặc căng thẳng. Cạnh tranh lành mạnh, biết hòa hợp và tỏ ra có thiện chí, không “chơi xấu” nhau, điều đó sẽ khiến bạn tạo được uy tín với chính đối thủ, khiến họ tôn trọng công ty bạn. Tiếng thơm của công ty bạn nhờ đó mà ngày càng được nâng cao nhờ vào chính đối thủ của mình.

Theo Bwportal/Dịch từ Street Smarts