Chuyện đặt tên công ty – Dễ và khó

Thông thường, đứng trước mỗi một dự án kinh doanh mới, bạn thường phải lập một công ty để thực hiện. Những lúc như thế này, việc lựa chọn tên công ty sẽ rất quan trọng và luôn là một bước đi phức tạp trong tiến trình triển khai dự án kinh doanh. Trên cương vị là một nhà quản lý, bạn nên quan tâm đến các yếu tố có liên quan khi suy nghĩ về một cái tên mới được đưa ra.

Tên công ty được pháp luật bảo hộ là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh, đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

a) Là tập hợp các chữ cái, có thể kèm theo chữ số, phát âm được;

b) Có khả năng phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với các chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực kinh doanh.

Tại bất cứ quốc gia nào, có một số loại tên công ty sẽ không được pháp luật bảo hộ cũng như bạn không được phép dùng nó đến đặt cho công ty mình:

Thứ nhất, tên gọi của các cơ quan hành chính, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp hoặc các chủ thể không liên quan tới hoạt động kinh doanh;

Thứ hai, tên gọi nhằm mục đích thực hiện chức năng của tên thương mại nhưng không có khả năng phân biệt chủ thể kinh doanh của các cơ sở kinh doanh trong cùng một lĩnh vực;

Thứ ba, tên gây nhầm lẫn với tên của công ty khác đã được sử dụng từ trước trên cùng một địa bàn và trong cùng một lĩnh vực kinh doanh, gây nhầm lẫn với nhãn hiệu hàng hoá của người khác đã được bảo hộ từ trước khi bắt đầu sử dụng tên thương mại đó.

Có một cái tên hợp lệ và với tư cách là người chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp đối với tên công ty, bạn hoàn toàn có quyền tiến hành hoạt động kinh doanh dưới cái tên đó. Lúc này bạn sẽ có quyền đối với tên công ty của mình như sử dụng tên vào mục đích kinh doanh bằng cách dùng tên để xưng danh trong các hoạt động kinh doanh, thể hiện tên đó trong các giấy tờ giao dịch, biển hiệu, sản phẩm, hàng hoá, bao bì hàng hoá và quảng cáo, hay chuyển giao tên theo hợp đồng hoặc thừa kế cho người khác với điều kiện việc chuyển giao phải được tiến hành cùng với toàn bộ cơ sở kinh doanh và hoạt động kinh doanh dưới tên đó.

Một công ty khi được thành lập hợp pháp lấy tên thương mại đáp ứng đủ những điều kiện tên thương mại đó được tự động bảo hộ mà không cần phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đây là điểm khác biệt so với các đối tượng sở hữu công nghiệp khác. Tuy nhiên thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh cho thấy hiện tượng trùng “tên thương mại” là vấn đề thường gặp đối với các công ty đang vươn lên trở thành tập đoàn hoá hay các công ty theo mô hình công ty mẹ – con. Giả sử một công ty là có tên là Công ty Green River thành lập năm 2000 với 4 lĩnh vực hoạt động chính là: sản xuất gỗ dán; sản xuất máy tính; vận tải hành khách trong chiến lược kinh doanh vươn lên trở thành tập đoàn hoá năm 2004 sẽ mở rộng thêm ở 2 lĩnh vực là: may công nghiệp; cho thuê tài chính. Năm 2003 một công ty khác cũng có tên là Công ty Green River được thành lập với 2 lĩnh vực: cho thuê tài chính và may công nghiệp. Khi đó 2 công ty trên vẫn tồn tại hợp pháp với cùng một tên vì không cùng lĩnh vực kinh doanh. Nhưng khi Công ty Green River (1) mở rộng hoạt động kinh doanh thêm hai lĩnh vực như trên thì vấn đề đặt ra là tên thương mại của hai công typ có trùng không và xử lý như thế nào?

Việc Công ty Green River (1) mở rộng thêm hoạt động kinh doanh ở 2 lĩnh vực: Cho thuê tài chính và may công nghiệp sẽ dẫn đến hiện tượng hai công ty có cùng tên trong cùng lĩnh vực kinh doanh. Giả sử cho rằng Công ty Green River (1) đăng ký bổ sung ở thời gian sau nên đã vi phạm quy định pháp luật: “Tên thương mại gây nhầm lẫn với tên thương mại của người khác đã được sử dụng từ trước trên cùng 1 địa bàn và trong cùng lĩnh vực kinh doanh…”. Như vậy có hợp lý không khi tên thương mại của Công ty Green River (1) xuất hiện trước. Và sự tồn tại của tên thương mại của 2 công ty trên là hoàn toàn hợp pháp và đã được bảo hộ tự động khi mới thành lập. Giả sử nếu Công ty Green River (1) phải đổi tên thương mại mới được đăng ký bổ sung thì có hợp lý và công bằng không khi tên thương mại đó đã tồn tại và có thể đã được khách hàng biết đến (như một thương hiệu) trong suốt những năm qua nhờ chính sách quảng bá và hiệu quả hoạt động kinh doanh của công ty. Còn nếu đổi tên thì về cơ bản phải xây dựng hình ảnh của công ty lại từ đầu.

Mặt khác, khách hàng sử dụng sản phẩm dịch vụ có thể sẽ dễ nhầm lẫn sản phẩm và dịch vụ của Công ty Green River (1) là của Công ty Green River (2). Vậy nếu sản phẩm, dịch vụ của một trong hai công ty cung cấp không đảm bảo chất lượng hay yêu cầu thì khách hàng sẽ bị nhầm tưởng và dễ có phản ứng (như khiếu nại, khiếu kiện, tẩy chay hàng hoá…). Khi đó uy tín và hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty làm tốt sẽ bị ảnh hưởng. Vậy họ sẽ phải làm gì để bảo vệ chính mình?

Đây quả là một vấn đề không dễ giải quyết khi công ty đang hoạt động hợp pháp. Hiện pháp luật chưa có quy định về vấn đề này khiến nhiều công ty hoạt động kinh doanh chịu thiệt hại. Và có lẽ lời khuyên tốt nhất là hãy nghiên cứu và tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi đặt tên công ty. Sau đây là một số cách thức để bạn đặt tên công ty một cách hiệu quả nhất:

1. Liệu khu vực bạn dự định đầu tư hay hợp tác kinh doanh đã có một công ty khác đăng ký cùng với tên bạn lựa chọn?

Cùng với sự phát triển của kinh doanh toàn cầu, ngày nay dường như bất cứ khu vực nào cũng có hàng trăm công ty được thành lập mỗi ngày. Và công ty của bạn sẽ không được chấp nhận nếu bạn đặt tên công ty trùng hoặc tương tự với tên của một công ty đã được thành lập và đăng ký sẵn tại đó.

Vì vậy, để tránh những rắc rối phát sinh, trước khi đăng ký thành lập công ty, bạn nên liên hệ với các cơ quan chức năng địa phương để kiểm tra và xác minh lại khả năng chấp nhận của cái tên đã được dự định đặt. Phần lớn các cơ quan địa phương sẽ nhanh chóng cung cấp những thông tin này và công ty cũng vô cùng dễ dàng tiếp cận những thông tin này qua Internet, điện thoại hay email.

2. Đã có cái tên nào trùng hay tương tự cái tên mà bạn dự định đặt và được bảo hộ với tư cách là nhãn hiệu hàng hoá hay tên thương mại?

Nếu trường hợp này phát sinh, rất có thể luật sở hữu trí tuệ hay luật nhãn hiệu hàng hoá sẽ cấm những chủ sở hữu khác sử dụng cùng tên hay tên tương tự có thể gây nhầm lẫn với tên đã được bảo vệ về một loại hàng hoá hay dịch vụ nào đó.

Do vậy để xác định rõ trước khi sử dụng tên mà bạn định lựa chọn, bạn nên thực hiện việc tìm kiếm các nhãn hiệu hàng hoá khác nhau. Việc tìm kiếm có thể được thực hiện thông qua văn phòng luật sư địa phương, qua Internet, hay các công ty sở hữu trí tuệ tại khu vực đó.

3. Liệu tên có thể được sử dụng trên Internet như là một tên miền?

Nếu xảy ra trường hợp đã có một tên miền nào đó trùng với tên mà bạn dự định đặt thì rất nhiều chủ công ty sẽ muốn lựa chọn một cái tên hoàn toàn khác. Nhiều chuyên gia marketing đều đồng ý rằng tên thương mại của một công ty sẽ có giá trị hơn rất nhiều cũng như sẽ tác động mạnh mẽ hơn trên thị trường nếu cái tên đó có thể dễ dàng được sử dụng như một tên miền trên Internet.

Để kế hoạch này được thực hiện có hiệu quả, bạn có thể nhanh chóng lên Internet và sử dụng các giải pháp mạng để tìm kiếm các dữ liệu về tên miền, từ đó sớm xác định được liệu bạn có thể dùng cái tên mà mình dự định lựa chọn để hình thành một tên miền mới hay không. Và nếu khi cái tên này hoàn toàn có đủ điều kiện, bạn chỉ cần thanh toán một khoản tiền là có thể sở hữu một tên miền trùng với tên công ty của mình. Khi đó, hoạt động marketing và thương mại điện tử sẽ thuận tiện hơn rất nhiều nếu bạn có không sở hữu một tên miền trùng với tên công ty.

4. Liệu bạn có thể ngăn cản những người khác sử dụng tên dự định đặt để lợi dụng trục lợi đối với một sản phẩm hay dịch vụ tương tự?

Vấn đề này thoạt nghe có vẻ tương tự như vấn đề thứ hai kể trên, nhưng thực ra chúng hoàn toàn khác biệt với nhau. Tên công ty mà bạn dự định đặt sẽ càng tăng giá trị và tác động tới hoạt động kinh doanh tiêu thụ sản phẩm trên thị trường nếu bạn có thể phòng ngừa việc người khác lợi dụng một cái tên tương tự để làm lợi cho hàng hoá hay dịch vụ tương tự của họ trong tương lai.

Luật nhãn hiệu hàng hoá sẽ cung cấp cho bạn quyền để có được một cái tên duy nhất. Cái tên này sẽ được bảo hộ trong suốt quá trình kinh doanh của bạn. Bất kể hành vi nào sao chép sẽ đều bị xử lý và bồi thường thiệt hại.

Do đó, song song với quá trình đặt tên, bạn nên sớm đến các cơ quan chức năng để đăng ký bảo hộ tên thương mại và nhãn hiệu hàng hoá. Thông thường, quá trình này đều kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm đấy. Bạn thực hiện càng sớm bao nhiêu sẽ càng tốt bấy nhiêu.

5. Liệu cái tên có dẫn đến sự hiểu nhầm, bị ngăn cấm hay trái với quy định pháp luật hiện hành ở địa phương?

Phần lớn luật pháp các quốc gia đều cho phép các công ty được quyền tự do trong việc đặt tên thương mại cho mình. Tuy nhiên, cũng có nhiều nơi cấm những cái tên có thể gây khó khăn hay hiểu nhầm cho khách hàng, chẳng hạn như nói lên nguồn gốc của sản phẩm, dịch vụ hay danh từ chung của một lĩnh vực kinh doanh nào đó hoặc cái tên dẫn dắt khách hàng liên tưởng công ty là một chi nhánh hay nhà phân phối của một thương hiệu nổi tiếng nào đó.

Ngoài ra, luật kinh doanh nhiều nơi cấm những cái tên ám chỉ một cách không đúng sự thật về một công ty hoạt động kinh doanh trong ngành công nghiệp quy định hay cái tên có những từ ngữ không đúng với nội dung kinh doanh. Ví dụ, luật quy định một số yêu cầu cụ thế đối với đặt tên công ty trong các lĩnh vực chịu sự điều chỉnh chặt chẽ của pháp luật như ngân hàng, bảo hiêm, thuốc và pháp lý, như nếu là kinh doanh ngân hàng thì phải có từ “bank”,…

Sau cùng, pháp luật nhiều nơi cũng ngăn cấm những cái tên được đặt không đúng với truyền thống văn hoá, hay có tính chất bạo lực,… (chẳng hạn như những từ thông tục trong đời sống không được dùng để đặt tên).

Để xác định cho mình một cái tên hoàn toàn phù hợp với những quy định pháp luật, bạn nên xem xét lại tên với sự tư vấn của các luật sư hay thực hiện việc kiểm tra các quy định pháp luật hiện hành điều chỉnh và có liên quan đến lĩnh vực kinh doanh của bạn.

6. Liệu cái tên có phù hợp với thông điệp và hình ảnh của thị trường mà bạn dự định hướng tới?

Những cái tên mà bạn dự định đặt sẽ đem lại giá trị tối đa nếu nó hỗ trợ mạnh mẽ thông điệp và hình ảnh của thị trường trong các kế hoạch kinh doanh mà bạn hướng tới.

Cuối cùng, khi bạn đã trả lời một cách hoàn chỉnh những câu hỏi trên mà vẫn giữ nguyên được cái tên dự định đặt thì hiển nhiên cái tên đó không những hợp pháp mà nó sẽ giúp bạn có sự khởi đầu vững chắc để đi đến những thành công lớn sau này.

Theo Bwportal