Đẩy lùi lo lắng khi thuyết trình

Có rất nhiều cách để vượt qua mọi sợ hãi, lo lắng khi thuyết trình. Sau đây là 7 cách hiệu quả nhất giúp bạn có được sự tự tin cần thiết, đem lại hiệu quả đáng kể:
1, Bắt đầu từ bài diễn thuyết ngắn
Lần thuyết trình đầu tiên coi như vừa làm vừa học, đừng bắt đầu với một bài dài hẳn từ 40 phút trở lên. Thời gian kéo dài đồng nghĩa với nội dung thuyết trình chuyên sâu, đòi hỏi người thực hiện phải có kinh nghiệm và những kỹ năng cần thiết để để lôi cuốn mọi người.
Khó có thể thành công trọn vẹn ngay lần đầu thuyết trình, vì thế, bạn nên tranh thủ thực hành những bài ngắn gọn, chẳng hạn như phát biểu trong một cuộc họp, tham gia ý kiến trong một buổi hội nghị bàn tròn… Từ những buổi tập nhỏ như thế, bạn sẽ tích lũy kinh nghiệm và rèn cho mình bản lĩnh đối diện với công chúng.
2, Chấp nhận sai lầm
Khi cần trình bày một nội dung nào đó, đừng bao giờ nghĩ rằng mọi thứ sẽ diễn ra trôi chảy cả về hình thức lẫn nội dung. Những người nghe bạn trình bày sẽ có người kiến thức sâu rộng, chuyên môn vững hơn bạn, và việc họ có những phản hồi trái chiều với ý kiến bạn nêu ra là điều dễ hiểu.
Vì thế, khi bước vào buổi thuyết trình, bạn nên chuẩn bị tâm lý, sẵn sàng cho những sai lầm có thể mắc phải. Sự thoải mái đó sẽ giúp bạn thành công hơn là cứ khăng khăng phải có một buổi trình bày hoàn hảo.
3, Thực hành với những người đáng tin cậy
Để có buổi thuyết trình thành công, tốt hơn hết là bạn nên dành thời gian tập dượt trước. Khán giả sẽ là bạn bè, người thân, những người mà bạn thực sự tin tưởng có thể đóng góp với bạn những ý kiến hữu ích.
Thomas cho rằng, sự chia sẻ với bạn bè, người thân hay đồng nghiệp giúp bạn củng cố kiến thức và lựa chọn được cách thức trình bày phù hợp nhất.
4, Dành thời gian cho câu hỏi
Tùy vào đối tượng và số lượng công chúng, bạn nên dành thời gian để giải đáp câu hỏi họ nêu ra sau khi kết thúc bài thuyết trình. Nếu số lượng người tham dự đông, bạn cần nhiều thời gian hơn để trả lời những câu hỏi mà họ không có thời gian nghiên cứu.
Tuy nhiên, như Thomas gợi ý, một mình bạn chắc chắn không thể giải đáp hết mọi thắc mắc của mọi người, “đừng để rơi vào cảm giác căng thẳng, như đang bị nén trong nồi áp suất đầy hơi, thay vào đó, hãy xin phép sắp xếp những cuộc trò chuyện riêng để cung cấp cho họ thông tin chi tiết”.
5, Đừng băn khoăn về chuyên môn của mình
Bạn không phải chuyên gia về lĩnh vực đó không có nghĩa là bạn không thể cung cấp cho người nghe một bài thuyết trình với nhiều nội dung hữu ích. “Tôi luôn khuyến khích mọi người cách nghĩ, mình không phải là người giỏi nhất, thông minh nhất trong bất kỳ lĩnh vực nào. Vì thế, việc chia sẻ ý tưởng, kinh nghiệm và chiến lược của bản thân với mọi người đôi khi cũng có chút vướng mắc. Điều quan trọng là họ có thể trình bày được những kiến thức bạn đã tìm hiểu chứ không cần phải cái gì cũng biết” – Thomas nói thêm.
6, Không đọc nguyên văn slide
Những slide đã chuẩn bị sẵn là tài liệu tốt nhưng đừng lúc nào cũng nhìn chằm chằm và đọc lần lượt từng slide một. Theo Thomas, bạn nên học cách thuyết trình theo ý mình, diễn đạt theo văn phong đối thoại để người nghe cảm thấy hứng thú chứ không phải đọc cho họ nghe những gì hiển hiện trên màn hình máy chiếu.
7. Chuẩn bị sẵn sàng
Mọi sự chuẩn bị đều hữu ích, từ việc chọn trang phục, địa điểm đến vị trí đứng nói… bạn đều nên sẵn sàng để khi đứng trước đám đông, không phải lúng túng về bất cứ điều gì. Vì thế, Thomas luôn khuyên rằng, mọi người nên có sự chuẩn bị lâu dài nếu muốn có một buổi thuyết trình thành công.

Theo socola