Marketing Trong khủng hoảng, nhiều doanh nghiệp vẫn đầu tư mở rộng

Trong khủng hoảng, nhiều doanh nghiệp vẫn đầu tư mở rộng

17
Trong khi hàng loạt DN thu hẹp sản xuất, cắt giảm nhân sự để đối phó với những hậu quả do khủng kéo dài gây ra thì vẫn có những DN đang mạnh dạn đi ngược xu thế. Theo nhận định, nếu đầu tư đúng hướng và hiệu quả thì tương lai những DN này sẽ là những chú “khủng long” khi thị trường ổn định và phát triển trở lại.
Có khoảng 90% chủ DN đều trả lời “Không” khi được hỏi về kế hoạch đầu tư mở rộng sản xuất và phát triển kinh doanh trong giai đoạn này. Thậm chí, nhiều doanh nhân còn cho biết Cty họ đang phải thay đổi chiến lược kinh doanh, bán bớt tài sản, dự án để đưa tiền mặt về trong két sắt nhằm phòng thủ hoặc giải quyết những vấn đề khó khăn trước mắt.

Đi ngược xu hướng
Ngược lại với xu hướng này là nổi lên một nhóm DN lại coi khủng hoảng và những khó khăn hiện tại của thị trường là cơ hội để họ đầu tư mở rộng với chi phí hợp lý và tìm cơ hội dẫn đầu thị trường. Chủ tịch HĐQT Cty Thời Trang Việt cho rằng “Lúc sức mua đang xuống thấp nhất, thị trường uể oải và khủng hoảng hàng tồn vì người tiêu dùng đang chán mua sắm, cũng là lúc phải có cái mới đáp ứng chính xác nhu cầu khách hàng, đây chính là thời điểm thích hợp nhất để Cty có thể tạo nét đột phá”. Đó là lý do vì sao Cty này đang tiến hành tái cấu trúc toàn bộ từ sản phẩm, kênh phân phối, nhân sự cho đến cả đối tượng khách hàng vào thời điểm này. Theo Sở kế hoạch và Đầu tư TPHCM trong 6 tháng đầu năm nay thành phố có 50 dự án FDI đăng ký tăng vốn, với tổng vốn tăng thêm đạt hơn 495 triệu USD, tăng 127% so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhà đầu tư hiện hữu tăng vốn để tăng cường qui mô sản xuất, mở rộng kinh doanh, bổ sung thêm ngành nghề mới…

Giải pháp kinh doanh
Chương trình Chìa Khóa Thành Công – CEO 2012 số 31 với chủ đề “Bài toán tài chính – Giải pháp kinh doanh” đã đưa vấn đề này ra để các doanh nhân trong chương trình phân tích, mổ xẻ và tìm giải pháp.
Theo đó, một Cty sản xuất Thủy Sản đang phải cân nhắc và đau đầu tính toán có nên bán nhà máy mới đang xây dựng dở và bị đình trệ một thời gian cho đối thủ cạnh tranh hay không. Có ý kiến cho rằng, nên bán vì đối thủ ra giá vừa đủ thu hồi lại giá trị đầu tư ban đầu cho dự án. Nhưng có ý kiến cho rằng, không nên bán vì khó khăn chỉ là tạm thời, Cty nên vay tiền để tiếp tục đầu tư hoàn thành nhà máy. Trước tình thế này, CEO của Cty đã đề xuất lên HĐQT phương án không bán nhà máy. Và để có tiền hoàn thành nhà máy CEO đề xuất thế chấp chính nhà máy này để đi vay tiên ngân hàng. Đồng thời, CEO chỉ đạo Cty quyết liệt tìm giải pháp thúc đẩy hàng tồn, thúc đẩy thị trường hiện tại. Tăng cường mở rộng khách hàng và thị trường.
Ngoài ra, CEO còn đề nghị với HĐQT cho phép Cty kêu gọi đầu tư hoặc bán cổ phần cho các nhà đầu tư khác. HĐQT của Cty cho rằng, trước khi đưa ra quyết định bán hay giữ nhà máy CEO cần phải có sự phân tích sâu hơn về vĩ mô. Nếu sau khi phân tích vĩ mô và nhận thấy khủng hoảng có thể sẽ sớm kết thúc thì giữ nhà máy. Nhưng nếu khủng hoảng còn kéo dài nữa thì phải bán. Bên cạnh đó, HĐQT cũng lưu với CEO những biện pháp ngay trước mắt cần phải thực hiện được. Đó là, tìm mọi biện pháp để giải quyết hàng tồn kho, nhanh chóng thu hồi công nợ. Đặc biệt phải tiến hành tái cơ cấu toàn bộ Cty, cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất. Và cuối cùng, HĐQT CEO cần phải có công cụ và sự hỗ trợ tốt hơn về phân tích tài chính trước khi đưa ra quyết định.

Theo T.Hằng